Câu chuyện về 5 bức tượng Phục Hưng kinh điển
Tượng Phục Hưng đại diện cho một trong những thời kỳ phát triển nhất của nghệ thuật điêu khắc.
Cụm từ “Phục Hưng” (Renaissance) được sử dụng để mô tả giai đoạn lịch sử kéo dài từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17 tại Châu Âu. Đây là thời kỳ của những khám phá và thành tựu vĩ đại về khoa học, âm nhạc, văn học, và tất nhiên, là cả điêu khắc.
Danh sách những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất không bao giờ thiếu vắng những kiệt tác được tạo ra bởi các nghệ sĩ Phục hưng. Donatello, Michelangelo, Lorenzo Ghiberti,… là những người đặt nền móng cho cả một chương nghệ thuật đầy mê hoặc trên dòng chảy lịch sử. Sự hiểu biết của họ về giải phẫu, tỷ lệ cơ thể, chất liệu và công cụ điêu khắc là vô song.
Theo thời gian, những bức tượng Phục hưng đã trở thành biểu tượng tôn giáo cũng như điểm du lịch thu hút mọi người từ mọi tầng lớp xã hội. Không chỉ hấp dẫn bởi sự hoàn mỹ trong từng chi tiết, chúng còn đại diện cho một thời kỳ huy hoàng mà chúng ta không có dịp được tận mắt chứng kiến. Sau đây là câu chuyện về 5 bức tượng Phục Hưng kinh điển mà đội ngũ Trâm Anh Art muốn gửi đến bạn đọc.
1. Cổng Thiên Đường (khoảng 1425 – 1452) của Lorenzo Ghiberti
Thế kỷ 15, trong khi ở phần còn lại của Châu Âu, nghệ thuật Gothic vẫn chiếm ưu thế, thì ở Ý, “Quattrocento” hay thời kỳ đầu Phục hưng bước vào giai đoạn chớm nở. Dẫn đầu phong trào này là Florence – một thành phố thịnh vượng và quan tâm nhiều đến nghệ thuật. Ở đó, một trong những nhà điêu khắc nổi tiếng nhất là Lorenzo Ghiberti.
Lorenzo Ghiberti (1378 – 1455) sinh ra và lớn lên tại Florence. Cha ông là một thợ kim hoàn nổi tiếng và đã dạy cho con trai mình những nguyên tắc thiết kế đầu tiên.
Năm 21 tuổi, Ghiberti hay tin thành phố quê nhà đang tổ chức cuộc thi nhằm tìm ra người nghệ sĩ đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ điêu khắc cặp cổng bằng đồng cho Nhà Thờ Công Giáo. Ghiberti đã chiến thắng, người về nhì là Filippo Brunelleschi – cũng là một nhân vật quan trọng khác của thời kỳ này.
Để hoàn thành cánh cổng, Lorenzo Ghiberti thành lập xưởng điêu khắc của riêng ông ở Florence. Ông cũng nhận đào tạo những người thợ học việc khác để hỗ trợ công việc, trong số đó có những người sau này sẽ trở thành những nhà điêu khắc đại tài như Masolino, Michelozzo, Donatello,…
>> Xem thêm: 3 giá trị của tượng nghệ thuật khi sở hữu và mua tặng quà
Nhưng ngay cả khi có sự giúp đỡ từ các học trò, Ghiberti vẫn mất đến 21 năm để hoàn thiện cánh cổng. Tác phẩm được đặt ở phía Bắc của nhà thờ, mô tả những phân cảnh trong Tân Ước, với tổng cộng 28 khung hình.
Năm 1425, Ghiberti tiếp tục được giao nhiệm vụ sản xuất một cánh cổng khác ở hướng Đông nhà thờ, lần này cảm hứng sáng tạo là những khoảnh khắc trong Cựu Ước. Thay vì 28 cảnh như phiên bản trước, cánh cổng này chỉ bao gồm 10 ô hình chữ nhật và được đúc theo một phong cách hoàn toàn khác. Bối cảnh được mô tả chi tiết, sống động và tự nhiên hơn. Số lượng nhân vật tăng lên, khung cảnh xung quanh cũng được chăm chút kỹ lưỡng, khiến từng ô cửa hiện lên tựa như một bức tranh nghệ thuật.
Có một sự thật thú vị đằng sau tên gọi của tác phẩm. Không phải Ghiberti mà chính nhà điêu khắc Michelangelo là người đặt cho nó cái tên “Cổng Thiên Đường”. Khi nhìn thấy cánh cửa, ông đã quá kinh ngạc và nhận xét rằng chúng trông giống như “Porta del Paradiso”, hay “Cổng Thiên Đường”. Trước khi Michelangelo “ấn định” tên gọi này, tác phẩm chỉ đơn giản được nhắc đến là “Cánh cửa phía Đông”.
“Cổng Thiên Đường” bao gồm 10 tấm đồng mạ vàng. Chúng mô tả những câu chuyện nổi tiếng như Adam & Eve; Noah và trận đại hồng thủy; các nhân vật quan trọng như Abraham; Isaac, David, Vua Solomon,…
Hiện tác phẩm đang được trưng bày tại bảo tàng Museo dell’Opera del Duomo, Florence, Ý.
2. David (khoảng 1430 – 1440) của Donatello
Donatello (1386 – 1466) là một nghệ sĩ Ý, người từng làm việc cùng và chịu ảnh hưởng bởi Lorenzo Ghiberti. Chính tại xưởng của Ghiberti, Donatello đã học cách điều khiển chất liệu để tạo ra những bức tượng Phục Hưng với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Năng lực sáng tạo và tài năng xuất chúng trong lĩnh vực điêu khắc của Donatello đã mở đường cho các nghệ sĩ nổi lên sau đó khoảng một thế kỷ, vào thời kỳ Thượng Phục Hưng (High Renaissance, thường được xem là thời kỳ huy hoàng nhất của lịch sử nghệ thuật). Ảnh hưởng của Donatello lớn đến mức nhiều học giả đã xem ông là tiền thân của Michelangelo.
Các tác phẩm của Donatello thường mang đề tài tôn giáo. Ngoài ra, ông cũng sử dụng câu chuyện về những anh hùng, sự tích và huyền thoại để làm chất liệu sáng tạo. Và khi nhắc đến Donatello, người ta hẳn không thể bỏ qua tác phẩm David.
Donatello là một trong nhiều nghệ sĩ tìm thấy cảm hứng sáng tác từ huyền thoại này. Ông thậm chí đã tạo nên hai phiên bản khác nhau của vị anh hùng trong Kinh Thánh. Thời trẻ, ông đã tạc nên một bức tượng David bằng đá cẩm thạch. Bức tượng đánh dấu nhiệm vụ quan trọng đầu tiên mà Donatello được giao với tư cách nhà điêu khắc chuyên nghiệp. Nó cũng thể hiện những cách tiếp cận sáng tạo mà ông sẽ tiếp tục phát triển khi trưởng thành.
Bức tượng David thứ hai sử dụng đồng làm nguyên liệu chính. Nó được đánh giá là một trong những bức tượng Phục Hưng có ảnh hưởng nhất lịch sử. Được hoàn thiện trong khoảng thời gian từ những năm 1430 – 1440, tác phẩm được dòng tộc Cosimo De Medici đặt hàng sản xuất để trưng bày ở khoảng sân trong.
Có nhiều yếu tố khiến David nổi tiếng. Đầu tiên, nó là tác phẩm đồng nghệ thuật đầu tiên trong thời Phục Hưng có thể đứng mà không cần giá đỡ. Đây cũng là tác phẩm điêu khắc nam khỏa thân đầu tiên được thực hiện theo yêu cầu của một cá nhân kể từ thời La Mã cổ đại.
Một điều khác tạo nên sự độc đáo của David là các kỹ thuật được Donatello sử dụng. Bức tượng Phục Hưng này không chỉ cân đối, mà còn mô tả chính xác những đặc điểm thuộc về nhân vật David. Trong Kinh thánh, David chỉ là một cậu bé khi đánh bại gã khổng lồ Goliath. Điều này mang hàm ý rằng ngay cả kẻ yếu cũng có thể chiến thắng kẻ mạnh khi có Chúa ở bên.
Donatello thể hiện chi tiết trên qua ngoại hình có phần thanh mảnh của cậu bé. Ông tạo hình David với nụ cười bí ẩn, đặt chân lên đầu của Goliath ngay sau khi đánh bại gã khổng lồ. Chàng thanh niên hoàn toàn khỏa thân, chỉ mang chiếc mũ có gắn vòng nguyệt quế, vốn là biểu tượng chiến thắng của người La Mã cổ đại. Trên tay cậu là thanh kiếm của Goliath – chiến lợi phẩm sau khi hoàn thành sứ mệnh.
Tác phẩm hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Museo Nazionale del Bargello, Florence, Ý.
3. Pietà (khoảng 1498 – 1499) của Michelangelo
Michelangelo (1475 – 1564) là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thơ người Ý. Michelangelo đã để lại cho nhân loại vô vàn kiệt tác nghệ thuật. Mỗi năm có hàng triệu du khách tới Ý để chiêm ngưỡng các tác phẩm của ông, trong số đó là Pietà.
Pietà (tạm dịch: Đức Mẹ sầu bi) là bức tượng Phục Hưng được Jean de Bilheres – một hồng y người Pháp sống tại Rome – ủy quyền sáng tạo cho Michelangelo, nhằm tô điểm cho lăng mộ của ông. Michelangelo đã hoàn thành bức tượng vào khoảng năm 1498, khi ông mới ngoài hai mươi tuổi. Mặc dù đây là một trong những tác phẩm lớn đầu tiên của Michelangelo, nhưng ông đã thể hiện kỹ năng của một bậc thầy điêu khắc, đặc biệt là sự chú ý đến từng chi tiết của ông khi thể hiện trang phục, mái tóc và làn da của nhân vật.
Pietà mô tả cảnh Đức Mẹ Maria đang ôm Chúa Kitô sau khi người bị đóng đinh. Đức Mẹ không trực tiếp chạm vào thân thể Chúa Jesus, mà lại dùng một tấm vải nâng lấy Chúa, thể hiện sự thiêng liêng của thân thể Đức Chúa. Khác với những tác phẩm có cùng chủ đề, Pietà của Michelangelo không có sự oán hận, không có nỗi đau quặn thắt, mà có chăng chỉ là sự thanh thản, bình yên, không oán hận. Chúa Jesus nằm trong lòng Đức Mẹ, gương mặt thanh thản, không hề có sự thống khổ, như thể ông đang chìm trong giấc ngủ say.
>> Có thể bạn quan tâm: Tượng trang trí phòng khách giúp nâng tầm không gian sống
Phong cách thể hiện của Michelangelo khi đó là điều bất thường đối với giới điêu khắc Ý. Vào thời kỳ Phục Hưng, các nghệ sĩ có xu hướng tuân theo tỷ lệ chính xác của cơ thể người trong những tác phẩm của mình, thậm chí là theo đuổi sự hoàn hảo. Với Pietà, người xem sẽ nhận ra tỷ lệ thân mình của Đức mẹ và Chúa Jesus không thật sự tương xứng với nhau. Michelangelo đã bỏ qua sự chính xác trong tỷ lệ để mang đến cho bức tượng sự cân bằng và hài hòa.
Nói về chất liệu, Michelangelo thừa nhận rằng khối đá hoa cương trắng Carrara mà ông dùng để điêu khắc Pietà là khối đá hoàn mỹ nhất mà ông từng sử dụng. Cũng chính vì thế, Michelangelo chăm chút cho Pietà tỉ mỉ hơn bất cứ một tác phẩm điêu khắc nào khác của ông.
Đây cũng là tác phẩm điêu khắc duy nhất mà Michelangelo từng ký tên. Nhà sử gia Giorgio Vasari (1511 – 1574) cho rằng người Michelangelo đã một lần nghe thấy khán giả thảo luận về vẻ đẹp của tác phẩm, rồi nhầm tưởng rằng một nghệ sĩ khác là người đã tạo nên nó. Quá thất vọng, Michelangelo đã khắc tên mình lên bức tượng. Sau đó, ông đã hối hận vì lựa chọn bốc đồng này và quyết định không ký tên lên tác phẩm một lần nào nữa.
Tác phẩm Pietà hiện đang được đặt tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Tòa thánh Vatican.
4. David (khoảng 1501 – 1504) của Michelangelo
Năm 1501, Michelangelo được Arte della Lana (Hiệp hội buôn len), người chịu trách nhiệm bảo trì và trang trí Nhà thờ ở Florence, ủy quyền tạo ra David. Lúc đó, Michelangelo chỉ mới 26 tuổi, nhưng ông đã là nghệ sĩ được trả lương cao nhất thời bấy giờ, tiếng tăm ông đã vang dội với kiệt tác Pietà.
Sau 2 năm làm việc miệt mài, đến năm 1504, người nghệ sĩ nổi tiếng đã cho ra đời một trong những kiệt tác ngoạn mục nhất của mọi thời đại: tượng David. Bức tượng cao gần 5 mét, nặng khoảng 5 tấn, khắc họa một cách rõ nét vẻ đẹp trên cơ thể của người anh hùng huyền thoại.
Michelangelo, như mọi khi, vẫn tập trung vào sự cân bằng, hài hòa, và những chi tiết thuộc về tác phẩm. David được ông thể hiện trong phong thái tự tin, thông minh và ung dung trước trận chiến. Các yếu tố như mái tóc, búi cơ, bàn tay,… đều toát lên vẻ chân thật đến khó tin, với những điểm nhấn tinh tế ở phần xương chậu, ngực, cơ bụng và hông.
Hầu hết những nghệ sĩ cùng thời đều chọn mô tả nhân vật David là một cậu bé để phù hợp với bản gốc trong Kinh Thánh. Họ cũng thường chọn khoảnh khắc sau khi David giết Goliath để làm toát lên tính anh hùng của nhân vật và nhấn mạnh vào sự che chở của Chúa.. Cách tiếp cận này thể hiện rõ trong tác phẩm của Donatello mà chúng ta đã tìm hiểu ở trên.
Michelangelo không làm như thế. Ông quyết định sẽ cho David xuất hiện trong dáng vẻ của một người trưởng thành. Bức tượng Phục Hưng nổi tiếng được chạm khắc ở tư thế trước khi chiến đấu, vai mang ná bắn đá và sự kiên quyết, thách thức ánh lên từ khuôn mặt. Nhiều ý kiến cho rằng đây là khoảnh khắc David nghe được lời khiêu khích, chế giễu từ Goliath.
Thời kỳ Phục Hưng, Florence là thành bang giàu có và tiến bộ. Tuy nhiên, nó lại thường xuyên bị đe dọa bởi các quốc gia hùng mạnh khác. Chính vì lý do này mà người anh hùng David đã trở thành biểu tượng của Florence và cuộc chiến chống lại quân xâm lược của thành phố này.
Nhiều tài liệu thuật lại rằng khi bức tượng David vẫn còn nằm ở quảng trường Piazza della Signoria, tác phẩm được đặt để hướng ánh nhìn chằm chằm vào Rome, như một lời cảnh báo không được gây xung đột với Florence.
David hiện được trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật Galleria dell’Accademia di Firenze, Florence, Ý.
5. Cưỡng đoạt thiếu nữ thành Sabine (khoảng 1579 – 1583) bởi Giambologna
Giambologna (1529 – 1608) là nhà điêu khắc sinh ra tại Pháp. Ông chuyển đến Ý năm 1550 và học tập tại Rome. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các tác phẩm tượng Phục hưng Ý, cũng như phong cách Mannerism thế kỷ 16, nghệ sĩ gốc Flemish Giambologna là một trong những nhà điêu khắc vĩ đại nhất, danh tiếng của ông chỉ đứng sau Michelangelo.
Mặc dù Giambologna có thể không phải là cái tên quen thuộc với khán giả đại chúng như Michelangelo, nhưng ảnh hưởng của ông đối với nghệ thuật Châu Âu cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17 là cực kỳ lớn. Và kiệt tác “Cưỡng đoạt thiếu nữ thành Sabine” của ông chắc chắn được xếp vào hàng những tác phẩm điêu khắc vĩ đại nhất mọi thời đại.
“Cưỡng đoạt thiếu nữ thành Sabine” là bức tượng bằng đá cẩm thạch, cao hơn 4 mét, được Giambologna hoàn thành từ năm 1579 – 1583.
Theo các nhà nghiên cứu, Giambologna đã thực hiện dự án mà không có bất kỳ chủ đề cụ thể nào. Ông chỉ làm với mục tiêu duy nhất là tạo ra một nhóm đa hình phức tạp, nhằm chứng tỏ mình có khả năng tạo ra những tác phẩm hoành tráng. Tuy nhiên, tác phẩm sau đó đã được hiểu là đại diện cho sự kiện lịch sử từ thời La Mã cổ đại và Giambologna đã sản xuất một bức phù điêu tường thuật để chèn vào phần đế của tác phẩm, giúp là rõ nội dung của nó.
>> Xem ngay: Trước khi sở hữu tượng trang trí cần tìm hiểu những gì?
Chủ đề của tác phẩm dựa trên câu chuyện của người sáng lập nên thành phố Roma. Cụ thể, sau khi thành lập nên thành phố Rome, vua Romulus đã chào đón tất cả mọi người, kể cả những người chạy trốn và sống ngoài vòng pháp luật.
Vì không đủ đàn bà để làm vợ cho những người này, nên người đứng đầu Roma lập mưu để bắt cóc phụ nữ, con gái của bộ lạc bên cạnh mang tên Sabine. Romulus cho bày tiệc và mời các gia đình người Sabine tới dự. Trong bữa tiệc, nhân lúc những người đàn ông Sabine không để ý thì vua Romulus đã sai người ập đến và bế thốc phụ nữ Sabine chạy đi.
Bức tượng mô tả ba nhân vật khỏa thân: chàng trai Roma ở trung tâm, người có vẻ như đang cố gắng chiếm đoạt người phụ nữ từ tay của một người đàn ông Sabine lớn tuổi tuyệt vọng bên dưới anh ta.
“Cưỡng đoạt thiếu nữ thành Sabine” thật sự là chiến thắng lớn của Giambologna. Ông đã thay đổi đáng kể cách thể hiện những tác phẩm điêu khắc có nhiều hơn một nhân vật. Giambologna xây dựng các nhân vật từ dưới lên, bắt đầu với người đàn ông Sabine. Cơ thể ông ta vặn vẹo, giơ tay trái lên trong tuyệt vọng khi người thanh niên La Mã cố bế người phụ nữ. Bản thân người phụ nữ, dang rộng hai tay, xoay người qua vai của kẻ bắt cóc khi cô ấy được nâng lên không trung.
Những hình ảnh này thể hiện sự chuyển động, hung hăng, sợ hãi và đấu tranh khi chúng di chuyển lên trên theo hình xoắn ốc. Và để cảm nhận và thấy được toàn bộ diễn biến, người xem phải tương tác với bức tượng ở toàn bộ các góc chứ không thể chỉ nhìn ở mặt chính diện.
“Cưỡng đoạt thiếu nữ thành Sabine” hiện đang được trưng bày tại quảng trường Loggia dei Lanzi, Florence.
Xin chân thành cảm ơn,
Những câu hỏi thường gặp
Nguồn gốc tên gọi của tác phẩm “Cổng Thiên Đường"?
Không phải Ghiberti mà chính nhà điêu khắc Michelangelo là người đặt cho nó cái tên “Cổng Thiên Đường”. Khi nhìn thấy cánh cửa, ông đã quá kinh ngạc và nhận xét rằng chúng trông giống như “Porta del Paradiso", hay “Cổng Thiên Đường". Trước khi Michelangelo “ấn định" tên gọi này, tác phẩm chỉ đơn giản được nhắc đến là “Cánh cửa phía Đông".
Tượng Phục Hưng David của Donatello có gì đặc biệt?
Đầu tiên, nó là tác phẩm đồng nghệ thuật đầu tiên trong thời Phục Hưng có thể đứng mà không cần giá đỡ. Đây cũng là tác phẩm điêu khắc nam khỏa thân đầu tiên được thực hiện theo yêu cầu của một cá nhân kể từ thời La Mã cổ đại. Một điều khác tạo nên sự độc đáo của David là các kỹ thuật được Donatello sử dụng. Bức tượng Phục Hưng này không chỉ cân đối, mà còn mô tả chính xác những đặc điểm thuộc về nhân vật David.
Tượng Phục Hưng David của Michelangelo có gì đặc biệt?
Michelangelo thể hiện David trong dáng vẻ của một người trưởng thành. Bức tượng Phục Hưng nổi tiếng cũng được chạm khắc ở tư thế trước khi chiến đấu, vai mang ná bắn đá và sự kiên quyết, thách thức ánh lên từ khuôn mặt. Nhiều ý kiến cho rằng đây là khoảnh khắc David nghe được lời khiêu khích, chế giễu từ Goliath.
Các nhân vật trong tác phẩm “Cưỡng đoạt thiếu nữ thành Sabine"?
Bức tượng mô tả ba nhân vật khỏa thân: chàng trai Roma ở trung tâm, người có vẻ như đang cố gắng chiếm đoạt người phụ nữ từ tay của một người đàn ông Sabine lớn tuổi tuyệt vọng bên dưới anh ta.