Đóng

Đôi nét về tượng đồng mỹ thuật

1. ”Đồng” dùng trong điêu khắc:

“Đồng” dùng trong điêu khắc là các loại hợp kim có niên đại từ 4.500 TCN, bao gồm các lượng đồng và thiếc với một số tỷ lệ khác nhau. Hai dạng đồng – thiếc đã được sử dụng trong thời đại đồ đồng là “đồng nhẹ”, với 6% thiếc, được rèn mỏng và được sử dụng cho các vật thể như áo giáp, mũi tên đồng…và “đồng cổ điển”, hỗn hợp đồng với 10% thiếc, vẫn được sử dụng để đúc đồ vật cho đến ngày nay.

Hợp kim này đặc biệt chắc khỏe, dễ uốn và vì quá trình oxy hóa bề mặt của nó ngăn ngừa sự ăn mòn nên cực kỳ bền. Người ta đã tìm ra nhiều phôi đồng có niên đại đến 2.500 TCN, trải qua bao nhiêu Thế kỷ, bao nhiêu Triều đại, được đúc rồi lại nung chảy, tái sử dụng vô số lần. 

Hợp kim đồng từ xa xưa đã được sử dụng trên khắp thế giới. Từ thời Hy Lạp cổ đại, người ta coi đúc đồng là hình thức điêu khắc cao nhất với các bức tượng đồng bằng kích thước thật. Đồng đã luôn là vật liệu thích hợp nhất trong việc tạo nên các tượng đài hoành tráng.

Trải qua thời gian, trên bề mặt các tượng đồng được hình thành và bao phủ một lớp màu xanh lam (patina).. Chúng được tạo ra bởi quá trình oxy hóa của hợp kim trên bề mặt, phản ứng với oxy trong không khí và trở thành đồng cacbonat. Lớp phủ tạo ra từ phản ứng hoá học này hoạt động như một lá chắn ngăn chặn bất kỳ sự ăn mòn đáng kể nào. Tuy nhiên nó cũng có thể dễ dàng được loại bỏ mà không làm tổn hại đến tính toàn vẹn hoặc độ bền của tác phẩm điêu khắc. Điều này thường được thực hiện với một chất tẩy rửa đồng chuyên dụng và một miếng bọt biển mềm. Đồng là một hợp kim bền bỉ, với những cách thức bảo trì đúng cách, có thể giữ được tình trạng và chất lượng ban đầu của nó trong nhiều thập kỷ, Thế kỷ thậm chí là Thiên niên kỷ.

Đôi nét về tượng đồng mỹ thuật

2. Tác phẩm điêu khắc bằng đồng được làm như thế nào? 

Kỹ thuật “đúc mất sáp” (Lost wax casting) là kỹ thuật phổ biến nhất để tạo ra các tác phẩm điêu khắc bằng đồng. Mặc dù quy trình chính xác có thể đổi khác đôi chút giữa các xưởng đúc, kỹ thuật này đã tương đối chuẩn kể từ khi bắt đầu được sử dụng từ khoảng 3.700 TCN. 

Các nghệ nhân của xưởng đúc bắt đầu với một mô hình (vật mẫu từ nhà điêu khắc) mà từ đó một khuôn được tạo ra. Một vật liệu mềm như silicon được sử dụng cho mặt trong của khuôn, phải đủ mềm dẻo, dễ uốn, cực kỳ linh hoạt, để tạo ra âm bản chính xác của vật thể ban đầu. Lớp ngoài của khuôn cứng, thường được làm bằng thạch cao. 

Xem thêm: 3 giá trị của tượng nghệ thuật khi sở hữu và mua tặng quà

Sáp được nung nóng chảy sau đó được đổ vào khuôn phủ lên bề mặt bên trong của nó. Sau khi nguội, khuôn sáp được lấy ra khỏi khuôn và xử lý, hoàn thiện để loại bỏ bất kỳ chi tiết sai sót nào. Khuôn được liên kết với các “ống dẫn”, tạo thành các “kênh rót” mà đồng nóng chảy có thể chảy vào và khí có thể thoát ra. 

Một khuôn cứng, thường là thạch cao, được tạo nên xung quanh khuôn sáp và toàn bộ vật thể được nung trong lò nung. Điều này vừa làm cứng thạch cao và làm tan chảy sáp ra khỏi khuôn thông qua các kênh, để lại một “âm bản” rỗng hoàn hảo của hình mẫu từ nhà điêu khắc mà từ đó đồng lỏng được đổ vào.

Sau khi được làm lạnh, tác phẩm đúc được lấy ra khỏi khuôn thạch cao của nó mà ở đó đồng hình thành thay cho phần sáp được loại bỏ. Sau cùng, bề mặt vật đúc được làm sạch, hoàn thiện và đánh bóng. 

3. Sự khác nhau giữa các loại điêu khắc bằng đồng:

Đồng có thể được sử dụng để tạo ra gần như bất kỳ loại điêu khắc nào, chỉ tuỳ thuộc chủ yếu vào khuôn đúc. Từ thuở xa xưa, khi kỹ thuật luyện kim từng bước hình thành và phát triển, hợp kim đồng – thiếc đã được sử dụng để chế tạo vũ khí, tàu thuyền và đồ trang sức. Tuy nhiên nổi tiếng nhất vẫn là việc chúng được sử dụng trong ngành điêu khắc kể từ thời Hy Lạp cổ đại. Bằng cách kết hợp thẩm mỹ của chủ nghĩa tự nhiên lý tưởng hóa và phương pháp “đúc mất sáp” (Lost wax casting), điêu khắc Hy Lạp cổ đại đã có thể tạo ra những bức tượng có kích thước hoành tráng với chi tiết hoàn mỹ vô song. Những tác phẩm điêu khắc này vẫn được ngưỡng mộ, tôn sùng cho đến ngày nay và là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật chế tác của nhân loại.

Truyền thống điêu khắc đồng đã bị lãng quên, tàn lụi sau sự sụp đổ của đế chế Rome và rồi trầm lắng, im lìm ở phương Tây cho đến khi nó được hồi sinh trong thời kỳ Phục hưng. Bắt đầu từ việc sử dụng để chế tạo các cửa, chi tiết kiến trúc  và các tác phẩm điêu khắc cho nhà thờ. Vào giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của thời Phục hưng, nó một lần nữa, tái sinh trong huy hoàng và trở thành một trong những ngành mỹ thuật đầu tiên được dạy trong các học viện nghệ thuật. 

Khi nghệ thuật chuyển từ chủ nghĩa cổ điển sang chủ nghĩa hiện đại, các nhà điêu khắc như August Rodin và Umberto Boccioni đã sử dụng chất liệu đồng để tạo nên các tác phẩm nhấn mạnh đến tính thẩm mỹ và chuyển tải các ý niệm trừu tượng.

4. Nên quan tâm đến điều gì về chất lượng của một tác phẩm điêu khắc bằng đồng:

Mặc dù đồng hợp kim vô cùng bền và ít bị biến đổi bởi tác động của những điều kiện tự nhiên thì tuy thế, chất lượng tác phẩm điêu khắc lại phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật đúc. Nhiều khuyết tật khác nhau, như độ xốp của hợp kim – sự hình thành bong bóng khí trong quá trình nguội hoặc làm lạnh bề mặt – sự hợp nhất không hoàn hảo của hai mặt của kim loại lỏng – có thể ảnh hưởng đến độ bền mặt ngoài và độ bền của hợp kim. 

Điều quan trọng nhất cần lưu ý khi xác định chất lượng của một tác phẩm điêu khắc bằng đồng là độ chính xác của việc đúc từ mô hình của nhà điêu khắc, đặc biệt là chất lượng kết cấu bề mặt của nó và độ chính xác của các chi tiết tinh tế như ngón tay, ngón chân, tóc, tai, mắt, mũi, miệng, đường nét trên gương mặt… và các loại chi tiết nhỏ tinh tế khác. 

Lớp phủ patina (lớp phủ oxit đồng hoặc đồng cacbonat) phát triển tự nhiên trên bề mặt của tác phẩm điêu khắc có thể chỉ ra chất lượng của hợp kim được sử dụng. Màu sắc của patina có thể thay đổi từ đỏ nhạt đến nâu ấm, xanh lá cây hoặc thậm chí là vàng,  tùy thuộc phần nào đó vào lượng đồng trong hợp kim. Bất kể màu sắc của nó, cho dù là tự nhiên hay  đã được tạo ra bởi các chất hóa học, patina được hình thành với nhiều cách thức và bí quyết. Đặc biệt có thể tạo nên lớp patina dày hoặc sẫm màu, thường được sử dụng để che giấu những khiếm khuyết bề mặt tác phẩm trong quá trình đúc.

5. Tượng đồng nhỏ:

Một bức tượng nhỏ là một tác phẩm nghệ thuật đồng thời là một vật phẩm trang trí. Bắt đầu từ thời kỳ Baroque và Rococo, những bức tượng đồng được làm thủ công, được thiết kế để trang trí và là một phần của trang trí nội thất nhà ở. Lúc này đã hình thành nên xu hướng sử dụng tượng đồng mỹ thuật nhỏ, dùng trang trí trong không gian sống, để thể hiện một cách tao nhã và tinh tế về đẳng cấp và sự giàu có.

Theo thời gian, qua nhiều Thế kỷ, các bức tượng nhỏ ngày càng phổ biến, đặc biệt trong giới các nhà sưu tập. Bởi quy trình sản xuất hiện đại cho phép các bức tượng đồng chất lượng cao được sản xuất với mức chi phí thấp hơn. Và do đó, nói chung, các tác phẩm điêu khắc ngày càng dễ tiếp cận (cho nhiều người). 

Hiện nay hệ thống các cửa hàng và gallery được hình thành trải rộng trên khắp các quốc gia của thế giới với các bộ sưu tập tượng đồng mỹ thuật vô cùng phong phú nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu sưu tầm và trang trí nội thất của mọi người, bao gồm các bản sao  của các bức tượng nổi tiếng ở mọi trường phái: Cổ điển, Hiện đại, Nghệ thuật Trang trí (Art Deco) và Nghệ thuật Nouveau cũng như các tác phẩm điêu khắc động vật, tượng chiến binh, tượng về các loại hình nghệ thuật, tượng sáng tác về đủ loại chủ đề của đời sống, tượng khỏa thân, đồ tạo tác và vật dụng trang trí sân vườn…

6. Nghệ thuật điêu khắc đã xuất hiện và phát triển như thế nào?

Các hình thái (vật thể) được con người thực hiện (cho mục đích nghệ thuật) đã có từ thời Cổ đại. Những bức tượng đầu tiên là Venus of Hohle Fels, một nữ thần và Löwenmensch, (sư tử hình người) được chạm khắc từ đá khoảng 35.000 – 40.000 năm trước. Các vật dụng, công cụ, vật thể…bằng đá lúc đầu được còn người tạo ra còn thô sơ nhưng dần dần càng hoàn thiện. Tiến đến con người bắt đầu làm ra được những thứ tinh xảo hơn như vòng tay, chuỗi hạt bằng đá, những vật dụng dược điêu khắc (mài, gọt) từ xương… để phục vụ cho các chức năng nghi lễ hoặc biểu tượng. 

Trong suốt một thiên niên kỷ, điêu khắc phát triển đã trở thành một phương tiện nghệ thuật không thể thiếu trong quá trình phát triển của loài người. 

Ngày nay, một tác phẩm điêu khắc có thể được tạo thành từ rất nhiều loại vật liệu và gần như không giới hạn về hình thức.

Đồng được đánh giá như là loại vật liệu tốt nhất dùng trong điêu khắc nhờ vào những đặc tính vật lý cũng như khả năng chống chịu tốt với những tác động bên ngoài. Ngành đúc đồng sử dụng sáp để tạo khuôn ban đầu cho phép đạt mức độ chi tiết cao trên tác phẩm điêu khắc cuối cùng. Một số sắc thái nhất định trong màu sắc có thể được tạo ra thông qua việc sử dụng patina.

Những phẩm chất này giải thích tại sao đồng là một trong những vật liệu lâu đời nhất được con người sử dụng. Thật vậy, các công cụ bằng đồng đã được sử dụng ở Mesopotamia, Ai Cập và Trung Quốc vào khoảng 2.800 năm trước Công Nguyên .

Ở Mesopotamia, gần Iran ngày nay, đồng được sử dụng để miêu tả động vật trong nghệ thuật tạo nên các hình tượng tâm linh. Ở Ai Cập, nó được sử dụng để nhân cách hóa các vị thần, và cũng để tạo ra những bức tượng điêu khắc nhỏ được đặt trong lăng mộ của người quá cố. Tuy nhiên, chính Hy Lạp cổ đại, nơi các thợ thủ công bắt đầu điêu khắc hình người và các vị thần với sắc thái chủ nghĩa hiện thực, đã mang lại vị trí nổi bật của nó trong lịch sử nghệ thuật. Nhiều tác phẩm đã được nhập khẩu vào Rome, nơi mà ngành sản xuất các tác phẩm điêu khắc bằng đồng phát triển nhất thời ấy. Các tác phẩm điêu khắc bằng đồng bắt đầu được sử dụng để trang trí các nhà hát, lâu đài và nhà của những người giàu có. Chiêm ngưỡng các kỹ năng của người Hy Lạp, người La Mã bắt đầu đặt hàng các tác phẩm điêu khắc từ các thương nhân và thợ thủ công, những người đã tạo ra các bản sao của khuôn của các bức tượng.

Với sự ra đời của Kitô giáo, truyền giáo và xây dựng nhà thờ trở thành ưu tiên. Các tác phẩm bằng đồng được thay thế bằng các tác phẩm điêu khắc bằng đá để trang trí nhà thờ. Vào thế kỷ 15, Brunelleschi và Ghiberti đã thiết lập thời kỳ Phục hưng bằng cách trang trí các cánh cửa của Nhà rửa tội Florence bằng đồng. Donatello, lấy cảm hứng từ điêu khắc La Mã cổ đại, là người đầu tiên thể hiện xuất sắc cảm xúc thông qua các tác phẩm điêu khắc bằng đồng, tiếp theo là Verrocchio, học trò của ông (và bậc thầy của Leonardo da Vinci). Mặc dù trong thực tế trào lưu này lan rộng khắp châu Âu, nhưng nó chủ yếu tập trung ở nước Ý, nơi các nhà điêu khắc đã cạnh tranh nhau để cho ra những tác phẩm cuối cùng hoàn mỹ nhất.

Trong Thế kỷ XVI, Flemish Jean de Bologne tự khẳng định mình là bậc thầy của điêu khắc đồng. Ông là nghệ sĩ mà tác phẩm được sao chép nhiều nhất trong Thế kỷ XVII, ở hầu khắp khắp châu Âu. Ở Ý, việc sản xuất điêu khắc bằng đồng khá ổn định. Ở Pháp, nó lại phụ thuộc vào chế độ chính trị. Khi Louis XIV mời các nhà điêu khắc trang trí lâu đài Versailles, nhu cầu về đồng xuất hiện trở lại như một hình thức nghệ thuật chuẩn mực và danh giá.

Điêu khắc bằng đồng trải qua sự hồi sinh trong Thế kỷ XIX, với Rodin và Camille Claudel, và sau đó với Chủ nghĩa lập thể và trào lưu Art Decor.. Đồng là vật liệu đắt tiền, nặng và tốn kém do đó việc mua, sưu tầm và sử dụng nó đã trở nên ít phổ biến hơn trong Thế kỷ XX và XXI. Tuy nhiên nhiều nghệ sĩ vẫn sử dụng nó: Marc Quinn, Giuseppe Penone, Germaine Richier, Alberto Giacometti…, các đồng tiền động vật của Brigitte Téman, trào lưu Nouveau Réalisme với “sự nén chặt” của César Baldaccini, bướm của Philippe Pasqua và các vũ công của Olivier Mesas…

Các tác phẩm điêu khắc bằng đồng nói chung thích ứng và phù hợp cho gần như mọi thời đại ở tất cả các thể loại và do đó, có thể nói chúng không bao giờ lỗi mốt. Đồng thời với chất liệu cổ xưa mà hiện đại, sang trọng, thanh lịch và giàu tính nghệ thuật, cho phép các tác phẩm điêu khắc được thể hiện một cách tinh tế và không phô trương, phù hợp với bất kỳ thiết kế nội thất nào. Nghệ thuật hiện đại và đương đại – với phong cách trừu tượng – có thể là những bổ sung khéo léo nét phồn hoa cho những khu vực công cộng, nét lãng mạn và tao nhã trên sân thượng hoặc trong những khu vườn.

7. Tượng khỏa thân, tượng đồng “sơn lạnh” kiểu Vienna và kỹ thuật phủ vàng “ormolu”:

Trong nhiều thế kỷ, các họa tiết khỏa thân là một xu hướng sáng tác của các nhà điêu khắc bằng đồng của Vienna (Áo) và các tác phẩm điêu khắc khỏa thân của họ, chắc hẳn là một phần của truyền thống đó. Các tác phẩm nghệ thuật loại này khá phổ biến trong Thế kỷ XIX và XX và dường như phần lớn chúng được các nhà điêu khắc Vienna làm ra.

Trong thời gian xảy ra các cuộc Thế chiến 1 và 2, do nhiều xưởng (cửa hàng)  sản xuất tượng khỏa thân của Vienna bị đóng cửa cũng như việc vô số các tác phẩm điêu khắc (đồng) khỏa thân bị nấu chảy để làm đạn dược, vũ khí…đã làm mất đi phần lớn các tác phẩm.

Hiện tại chỉ còn một vài nhà sản xuất (các nhà điêu khắc và xưởng đúc) vẫn tự tay điêu khắc và đúc những pho tượng khỏa thân này, tạo nên bộ sưu tập gồm nhiều chủng loại từ các nghệ sĩ như Duprè, Lambeaux, Milo và Zach…

Một trong những đặc tính của loại tác phẩm này là chất lượng thiết kế rất cao và tính thẩm mỹ vô cùng tinh tế và đấy là lý do, cho đến nay, chúng vẫn là đối tượng được các nhà sưu tầm đặc biệt yêu thích và luôn tìm kiếm.

Vào cuối Thế kỷ XIX, một số xưởng đúc đồng của Áo nằm ở Vienna và vùng biên giới Áo-Bohemian bắt đầu một kỹ thuật mới, khác biệt,  được gọi là “qui trình sơn lạnh”. Bề ngoài của bức tượng sau khi đúc được hoàn thiện bằng cách sơn màu lên mặt đồng thô với nhiều lớp men màu đặc biệt và bí mật gọi là ‘bụi sơn”. Quá trình này thường được thực hiện khi vật đúc vẫn còn ấm, độ co rút tự nhiên của vật đúc khi làm mát làm tăng thêm độ bền của màu khi nó nung sơn chắc chắn vào kim loại. Vì màu sắc không bị “cháy” nên qui trình này được gọi là “sơn lạnh”. Tượng đồng được hoàn thiện theo qui trình này có cấu trúc bề mặt cũng như màu sắc và vẻ đẹp đặc trưng.

Một hình thức nghệ thuật điêu khắc khác sử dụng đồng là ormolu, một loại đồng mềm được đúc tinh xảo và được mạ vàng (phủ vàng) để tạo ra lớp phủ vàng mờ. Ormolu đã được phổ biến vào Thế kỷ XIV ở Pháp và được áp dụng rộng rãi cho các sản phẩm, đồ vật như đồng hồ để bàn và treo tường, chân nến, lọ mực, khung tranh…

Việc sản xuất ormolu sử dụng một quy trình được gọi là mạ vàng thủy ngân hoặc mạ vàng lửa , trong đó dung dịch nitrat thủy ngân được áp dụng cho một miếng đồng , đồng thau hoặc đồng; tiếp theo là ứng dụng hỗn hợp vàng và thủy ngân. Vật phẩm sau đó được tiếp xúc với nhiệt độ cực cao cho đến khi thủy ngân bốc hơi và vàng vẫn còn, bám vào vật kim loại.

8. Tác phẩm điêu khắc đương đại và tối giản:

Nghệ thuật đương đại là một kỷ nguyên của nghệ thuật sau thời kỳ nghệ thuật hiện đại và bắt đầu từ đầu Thế kỷ XX sang Thế kỷ XXI. 

Chủ nghĩa tối giản trong điêu khắc là sự giảm bớt các yếu tố nghệ thuật (đường nét, màu sắc, hình dạng, v.v.) vốn đã chiếm ưu thế trong nghệ thuật điêu khắc hiện đại. Trong các tác phẩm điêu khắc bằng đồng theo phong cách đương đại hoặc tối giản, đặc biệt là đối với hình tượng người hoặc động vật, các hình thái của tác phẩm được đơn giản hóa theo hướng loại bớt các chi tiết, đường nét để hướng đến việc làm nổi bật chuyển động hoặc trạng thái nhịp điệu của tác phẩm.

Với lịch sử lâu đời trong nghệ thuật trang trí cũng như quá trình lão hoá (theo thời gian) tuyệt đẹp của nó, trang trí điêu khắc bằng đồng thường được sử dụng trong trang trí không gian sống hoặc các không gian công cộng trong thương mại hay kinh doanh. Các tác phẩm điêu khắc bằng đồng phong cách đương đại hay tối giản bao gồm một số lượng lớn các kiểu dáng, họa tiết và kích thước thể hiện rõ nét sở thích của từng cá nhân hoặc tập thể. Các tác phẩm điêu khắc bằng đồng loại này thường sở hữu những biểu cảm độc đáo bởi phong cách sáng tác, chất liệu và kỹ thuật đúc tạo ra chúng và chúng, cũng gần như có thể phù hợp với bất kỳ không gian nào.

9. Điêu khắc phong cách Art Nouveau (nghệ thuật tân thời):

Art Nouveau là một trào lưu của nghệ thuật (mỹ thuật) trang trí và kiến ​​trúc vào cuối Thế kỷ XIX và đầu Thế kỷ XX, tạo ra một cộng đồng những người đam mê chúng trên khắp châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới. Trào lưu này diễn ra với nhiều phong cách khác nhau và do đó, nó được biết đến bằng nhiều tên khác nhau, chẳng hạn như Phong cách Glasgow, hoặc (trong thế giới nói tiếng Đức) Phong cách Jugendstil. Art Nouveau nhắm tới mục đích hiện đại hóa thiết kế, tìm cách thoát khỏi các phong cách lịch sử chiết trung đã phổ biến trong thời gian trước đây. Các nghệ sĩ đã lấy cảm hứng từ cả hai dạng “hữu cơ” và hình học, phát triển các thiết kế thanh lịch kết hợp các hình dạng tự nhiên với các đường nét góc cạnh. Trào lưu cũng đã đi đến xóa bỏ hệ thống phân cấp nghệ thuật truyền thống, đưa các loại hình nghệ thuật tự do, như hội họa và điêu khắc… có vị trí vượt trội hơn nghệ thuật trang trí dựa trên thủ công, và cuối cùng nó có ảnh hưởng lớn hơn đến sự phát triển các loại hình nghệ thuật sau này. Trào lưu Art Nouveau dường như đã lỗi thời sau khi nhường chỗ cho trào lưu Art Deco vào những năm 1920, tuy nhiên nó đã trải qua một sự hồi sinh mạnh mẽ vào những năm 1960, và giờ đây được coi là tiền thân quan trọng của Chủ nghĩa Hiện đại.

Mong muốn thoát khỏi các phong cách nghệ thuật của Thế kỷ XIX là một động lực quan trọng đằng sau trào lưu Art Nouveau mà cũng từ đó trào lưu chủ nghĩa hiện đại từng bước được thiết lập và ra đời. Vào thời điểm đó, sản xuất công nghiệp đã bắt đầu hình thành và phát triển, nghệ thuật trang trí ngày càng bị chi phối bởi các công nghệ về vật liệu và kỹ thuật chế tạo. Vì thế những nghệ sỹ của trào lưu Art Nouveau đã tìm cách phục hồi kỹ năng và tay nghề, nâng cao vị thế của nghề thủ công kết hợp với việc hiện đại hóa trong thiết kế và qui trình sản xuất. 

10. Điêu khắc động vật:

Tại Salon Paris vào năm 1831, khi Antoine Louis Barye (1795-1875) trưng bày tác phẩm điêu khắc động vật đầu tiên của mình, một nhà phê bình nghệ thuật người Pháp đã gọi ông là một Animalier: “người tạo ra động vật”, đây không phải là lời ngợi khen mà ngược lại, có hàm ý chê trách, phê phán (báng bổ quyền năng của thượng đế hay đấng tự nhiên). Điều này cũng phản ánh thái độ e dè của số đông công chúng.

Nhận thức này đã thay đổi sau đó chừng một thập niên khi vua Louis-Philippe đã ủng hộ và trao một số quỹ tài trợ (công khai) cho Barye. Con trai của Vua, Thái tử Duc d’Orleans, cũng trở thành người bảo trợ của Barye. Từ đó Antoine Louis Barye trở thành ‘Cha của các Animaliers School” và được coi là một trong những “nhà điêu khắc hiện thực tốt nhất của thời đại”.

Đến giữa Thế kỷ XIX, bất kỳ nghệ sĩ nào cũng tự hào được biết đến như một Animalier và sở thích về các tác phẩm điêu khắc động vật đã rất phổ biến hầu như trong tất cả các thành phần của xã hội.

Các tác phẩm điêu khắc động vật là các bức tượng mô tả hình dáng, hành vi, biểu cảm… của các loại động vật trong thế giới tự nhiên cũng như mối quan hệ của chúng với con người. Mô típ này đặc biệt thách thức đối với các nghệ sĩ và nhà sản xuất vì sự khéo léo và kỹ năng cần thiết để điêu khắc chính xác và đúc các kết cấu tương phản và các chi tiết đẹp. 

Các tác phẩm điêu khắc động vật thường được làm với các loại kích thước khác nhau nhằm cho chúng phù hợp với các vị trí đặt, để, như các phòng ở trong nhà, sân thượng, vườn và ao hồ… và theo nhiều phong cách để phù hợp với mọi kiểu trang trí từ truyền thống đến hiện đại. Chim, bò, chó, mèo và đặc biệt ngựa và voi là những động vật phổ biến nhất đối với các nghệ sĩ điêu khắc và những người đam mê nghệ thuật, bất kỳ người yêu động vật nào chắc chắn sẽ tìm thấy những con vật yêu thích của họ.

  • Chim tượng trưng cho điều gì?

Trong hầu hết các nền văn hóa truyền thống, chim có một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Là một loài được liên kết với hình ảnh của tự do và là cầu nối siêu việt giữa trời và đất. 

Tuy nhiên, gần như mọi loài chim đều có biểu tượng văn hóa và tôn giáo và đôi khi trái ngược nhau. Ví dụ: Đại bàng biểu thị cho quyền lực, niềm tự hào, quyền giám hộ, quyền hành và là một biểu tượng Kitô giáo của sự cứu rỗi. Chim cú đại diện cho sự khôn ngoan từ thời Hy Lạp cổ đại. Chim công là một biểu tượng của sự hồi sinh của Chúa Kitô và  nữ thần Hy Lạp Hera 

Điêu khắc chim được sử dụng phổ biến nhất để trang trí đài phun nước hoặc vườn, nhưng gần đây đã trở nên phổ biến để trang trí trong nội thất nhà ở.

  • Bò đực tượng trưng cho điều gì?

Những con bò đực xuất hiện trong các bức tranh hang động lên đến 17.000 năm tuổi và đã được đưa vào lịch sử nhiều nền văn hóa bao gồm thần thoại Hy Lạp và Kitô giáo. Trong các văn bản và hình ảnh phi tôn giáo, con bò đực chủ yếu liên quan đến tình dục, sức mạnh và sức mạnh thể chất của đàn ông. Tuy nhiên, nó cũng là một biểu tượng của mặt trăng gắn liền với nữ tính và được người Ai Cập coi là đối trọng của sư tử.

  • Voi tượng trưng cho điều gì?

Trong thần thoại của nhiều nền văn hóa, voi luôn được thấm nhuần là một biểu tượng của kiến thức và sức mạnh. Con voi cái vòi vươn lên được coi là một hình ảnh của sự may mắn và do đó, các tác phẩm điêu khắc voi thường được giữ như một dấu hiệu cho sự may mắn và thành công.

Tổng hợp & Biên soạn: Trâm Anh Art