DEMETER
Mã Tác phẩm: BH145
DEMETER (GREEK NAME) OR CERES (ROMAN NAME)
GODDESS OF AGRICULTURE, SACRED LAW, THE HARVEST & FERTILITY – NỮ THẦN CỦA THIÊN NHIÊN, NÔNG NGHIỆP, MÙA MÀNG & SỰ SUNG TÚC
Trong thần thoại Hy Lạp, có một vị thần được kính trọng và thờ phụng bởi hầu như tất cả người dân Hy Lạp cổ đại, bởi bà là một trong rất ít các vị Thần chưa từng cố ý giáng họa cho nhân gian. Câu chuyện về tình yêu vô bờ của bà với con gái cũng chính là giải thích cho nguồn gốc bốn mùa trên thế gian.
Demeter là nữ Thần đất, cai quản nông nghiệp trong Thần thoại Hy Lạp, là một trong những nữ Thần lớn tuổi nhất trong các vị thần Hy Lạp cổ đại. Bà là con gái của Cronus và Rhea, chị gái của Jupiter, Neptune, Hades, Hera và Hestia. Cái tên của vị Thần này nói lên tất cả, Demeter là Mẹ Trái đất, là nữ Thần của sự màu mỡ, người bảo vệ nông nghiệp và mùa màng nói chung, nữ Thần của thực vật.
Nữ Thần nông nghiệp vốn thông thái, hiểu biết nhưng khiêm nhường và rất kính trọng các vị Thần khác, nên bà sớm chiếm được sự ủng hộ của các vị Thần Olympia. Nữ Thần Demeter còn tượng trưng cho tất cả phần nữ tính của người phụ nữ – đó là những công việc thuộc về nhà cửa, gia đình, con cái.
Bức tượng Demeter bằng đá marble thuộc Ludovisi Collection tại National Roman Museum
Demeter xuống Trái đất để dạy cho loài người cách cày cấy, chăm bón cây trồng, thu hoạch và chăm sóc những con vật. Trong tay bà luôn có một cái liềm vàng tượng trưng cho những cánh đồng lúa mì phì nhiêu. Khi Demeter băng qua những miền đất khác nhau, trái đất màu mỡ và đầy ắp cây trái, những đồng cỏ xanh rờn, và những con vật nuôi béo tốt.
Demeter cũng là một người mẹ tận tâm và vô cùng yêu thương con cái. Bà có một cô con gái duy nhất với Thần Zeus tên là Persephone, người con gái đẹp nhất trong số những người con của các vị Thần đã khiến vị vua của địa ngục – Hades say đắm. Persephone về sau trở thành vợ chính thức của Hades, nữ hoàng của địa phủ.
Bức tượng Persephone thuộc Temple of the Egyptian gods, Gortyn thời kỳ La Mã, hiện đang được trưng bày tại Heraklion Archaeological Museum, Crete, Hy Lạp
Truyền thuyết về nguồn gốc của 4 mùa
Một hôm Hades lên gặp Zeus và xin được cưới Persephone. Trong khi Zeus còn đang phân vân thì Hades đưa ra đề nghị rằng mình sẽ tự tay bắt cóc nàng để khỏi liên lụy tới Zeus. Vị Thần tối cao đồng ý, và thế là Hades liền bay xuống vùng đất mà Persephone đang dạo chơi. Vị Thần âm ty tạo ra một bông hoa thủy tiên thơm ngát. Persephone thích thú chạm vào bông hoa và ngay lập tức mặt đất nứt ra, bàn tay của Hades đã kéo cô xuống địa ngục.
Bức tranh sơn dầu mô tả cảnh Hades bắt cóc Persephone, thuộc quyền sở hữu của Missing Link Antiques, thế kỷ thứ 18
Mẹ của Persephone thấy con gái bị mất tích thì rất đau khổ, bà đã không ăn không ngủ 9 đêm, thậm chí cũng không tắm gội và chải đầu khiến thân hình tiều tụy. Demeter đi lang thang hết nơi này đến nơi khác tìm con. Bà hỏi rừng cây, rừng cây lắc đầu trả lời không biết, bà hỏi núi cao, núi cao cũng ngơ ngác không biết nói gì, bà hỏi biển khơi, biển khơi đáp lại bằng những tiếng thở dài thương cảm. Còn đất đen thì im lặng thấm khô những dòng nước mắt đau khổ, xót xa của bà. Sang ngày thứ mười, Thần mặt trời Helios đã động lòng mà kể lại câu chuyện cho Demeter.
Sau khi biết được Persephone bị Hades đưa xuống âm phủ, bà đã chất vấn Zeus, Vua của các vị Thần trả lời rằng: “Là vợ của Thần âm phủ Hades thì cũng không có gì thiệt thòi”.
Nghe vậy, biết được Zeus chấp thuận việc con gái bị bắt cóc, Demeter đã rất tức giận, bà bỏ công việc mùa màng, đi khắp nơi này đến nơi khác tìm con gái mình trong vô vọng và quyết sẽ không quay về Olympus – ngọn núi nơi các vị Thần sinh sống.
Demeter hóa thân thành một người phụ nữ già nghèo khó đầy nếp nhăn và bắt đầu đi khắp các thành phố và làng mạc để quên nỗi đau. Trong hành trình đi lang thang, không ai nhận ra bà. Đau buồn vô tận, Demeter đã vô tình gửi những sự bất hạnh xuống nhân gian.
Bà bỏ bê công việc để đi tìm con, đất đai trở nên cằn cỗi, mùa màng thất bát, cỏ xanh trên đồng không còn mọc nữa, hạt giống cũng không nảy mầm, mưa không thuận, gió không hòa. Nạn đói ập đến, con người đói kém nên cũng chẳng ai nghĩ đến việc cúng lễ, hiến tế các vị Thần. Tiếng khóc than, oán trách thấu tận trời xanh, Thần Zeus đã cố gắng thuyết phục Demeter khôi phục lại sự màu mỡ cho Trái đất, nhưng Demeter từ chối nếu con gái bà không quay lại bên mình.
Thần Zeus đã phái Hermes đến gặp Hades để thuyết phục ông ta trả tự do cho Persephone. Hades tuân lệnh con trai Thần Zeus và đồng ý thả Persephone, nhưng không tiết lộ ý định thật sự của mình. Tạm biệt Persephone, Hades đưa cho cô ăn một ít hạt lựu ngọt, mà cô không hề biết nó sẽ khiến cô không bao giờ có thể quay trở về vĩnh viễn bên mẹ mình.
Persephone luôn từ chối mọi đồ ăn thức uống từ khi xuống địa ngục, nhưng do đã quá đói bụng, nàng lấy 6 trong số 12 hạt có trong quả lựu để ăn. Với người Hy Lạp, lựu là biểu tượng của vợ chồng, vì thế coi như Persephone có mối quan hệ ràng buộc với Hades.
Sau khi từ biệt Hades, Hermes chở cô gái xinh đẹp bằng chiếc xe ngựa của ông để đưa Persephone về với mẹ mình ở Eleusis. Demeter được đoàn tụ với con gái và sung sướng hơn bao giờ hết. Suốt ngày hôm đó, hai mẹ con kể cho nhau nghe biết bao nhiêu chuyện, khi Persephone kể cho mẹ mình biết đã được Hades mời ăn những hạt lựu thì Demeter đã bật khóc và đau đớn nhận ra tầm nghiêm trọng của sự việc.
Bức hoạ The Return of Persephone (Persephone trở về) của hoạ sĩ Frederic Leighton năm 1891
Bà nói với con gái rằng từ giờ mỗi năm, cứ 6 tháng cô sẽ phải sống dưới địa ngục với chồng và 6 tháng trở về bên mẹ. Tuy không thể đem con gái trở về hoàn toàn với mình, Demeter vẫn khôi phục lại sự màu mỡ cho Trái đất sau khi chứng kiến cảnh hoang tàn mà mình không cố ý gây ra, và quay về Olympus cùng Persephone.
Những cánh đồng đã xanh tươi trở lại, vườn cây sai quả, hoa lại nở rực rỡ khắp rừng núi đồng quê, đất đai màu mỡ, vạn vật đổi thay, muôn loài như bừng tỉnh khi Demeter gặp lại người con gái yêu dấu. Nhưng vì mỗi năm lại có một nửa thời gian Persephone phải từ giã người mẹ thân yêu, Thần Demeter lại chìm vào nỗi thương nhớ. Bà lại mặc bộ đồ đen và từ bỏ công việc của mình ở đỉnh Olympia. Thiên nhiên, cây cỏ, muôn loài lại âu sầu, ủ rũ như nỗi lòng bà vậy.
Đền thờ cúng nữ thần Demeter – Temple of Segesta, Italy
Đặt định của Thần
Đó chính là nguồn gốc sinh ra bốn mùa trên Trái đất. Mùa xuân ấm áp gắn bó thân thiết với mùa màng như con với mẹ. Mùa hạ là mùa của sự trưởng thành, gặt hái những thành quả từ nỗ lực và sự chờ đợi như cảm xúc yêu thương dâng trào, lan tỏa khắp mặt đất của người mẹ khi gặp lại được con gái xa nhớ. Khi mẹ con phải xa nhau, lòng mẹ thương nhớ con da diết khắc khoải như thế nào thì thiên nhiên, mùa màng và con người cũng trông chờ, mong đợi thời tiết ấm áp của mùa xuân da diết, khắc khoải như thế.
Người Hy Lạp cổ đại suy tưởng rằng khi Persephone phải ở dưới âm ty 6 tháng, là lúc mùa thu và mùa đông trên hạ giới. Những hạt giống bị chôn vùi dưới lòng đất lạnh giá chẳng khác gì nàng Persephone bị giam giữ dưới âm phủ. Nhưng đến khi xuân sang, Persephone trở lại với ánh mắt trời chói lọi, chan hòa, chẳng khác gì hạt lúa từ lòng đất vươn lên, phục sinh từ cõi chết trong niềm hân hoan của vạn vật. Vì vậy, Persephone còn được ví là nữ Thần mùa xuân.
Đất đai, mùa màng chính là mẹ, và mùa xuân chính là con. Đây là một hình ảnh gần gũi, dễ hiểu để lý giải những hiện tượng tự nhiên.
Thần thoại đã từng nằm ở trung tâm của cuộc sống hàng ngày ở Hy Lạp cổ đại. Những người Hy Lạp xem thần thoại là một phần lịch sử của mình, đó là thời mà người và Thần đồng thời tồn tại trên Trái đất. Sau khi tạo ra thế giới từ hỗn mang, Thần phải dạy cho con người những điều quá đỗi mới mẻ và khó hiểu đối với họ. Nên Thần đã sống gần con người, triển hiện cho con người thấy những đức tính từ tốt đẹp cho tới phản diện để con người có được những khái niệm cơ bản nhất.
Đó là lý do tại sao các vị Thần tối cao, uy quyền trong thần thoại Hy Lạp cũng ghen tuông, tham lam và ích kỷ. Bởi nếu không có những màn diễn chân thực đó của các vị Thần, con người sẽ không thể biết tới vị tha, rộng lượng và từ bi.
Cũng giống như không có đau khổ, mất mát do các vị Thần giáng xuống thì sẽ rất khó để hiểu được thế nào là hạnh phúc, đủ đầy. Không có đớn hèn, nhu nhược thì sẽ không biết được thế nào là anh dũng, quả cảm, can trường. Mọi khái niệm đều tồn tại và định nghĩa được bởi một khái niệm trái ngược khác. Vậy nên vào cái thời nhân Thần đồng tại đó, các vị Thần phải đặt định cho con người thế gian những hiểu biết đơn giản bằng chính vai diễn của mình, trải qua năm tháng dài đằng đẵng để con người ngày càng hoàn thiện hơn về tư duy.
Câu chuyện về bốn mùa cũng cho thấy những thăng trầm trong cuộc đời con người. Đời người mấy ai chỉ trải qua suốt những mùa xuân tươi đẹp, để có được hạnh phúc, chúng ta đều phải kiên trì trải qua những mùa đông giá lạnh, nỗ lực vun xới để có được quả ngọt mang tên niềm vui và hài lòng.
Và mọi biến động, xoay vần của cuộc đời đều bắt nguồn từ những ham muốn thậm chí là từ chính tình yêu vô bờ mà chúng ta nghĩ là thánh thiện nhất.
Nếu không có lòng tham và ích kỷ của Hades, không có sự vô tâm của Zeus, câu chuyện bốn mùa đã không thể bắt đầu. Nàng Persephone nếu không đam mê hương sắc quyến rũ thì đã không rơi vào vòng tay Thần địa ngục. Và tình yêu vô bờ bến, thuần khiết, vô tư nhất trên đời này – tình mẫu tử hóa ra cũng có lúc mang tới đau thương, bất ổn cho thế gian lẫn thiên giới.
Bởi con người sống là phải có cái “tình”, dù đẹp hay xấu, ích kỷ hay vô tư, cái tình này sẽ dẫn khởi tới những biến động khó lường trong cuộc sống. Mọi hỉ, nộ, ái, ố đều từ cái tình mà tới. Có yêu thương vô hạn thì sẽ có mù quáng, ích kỷ, ghen tuông. Có thích làm việc gì đó thì sẽ có sự cuồng tín, bất chấp thủ đoạn để thành công. Có ghét điều gì đó thì sẽ có kỳ thị, ác độc. Có đam mê thì sẽ có phóng túng dục vọng…
Chúng ta khó có thể kiểm soát và dự đoán được kết quả cuối cùng của những vòng lan tình cảm, ham muốn, chúng lan tỏa và chồng chéo lên nhau như những sóng nước. Điều chúng ta có thể làm là cố gắng nghĩ tới người khác trước khi nghĩ tới mình, xem xem liệu điều mình muốn có thể sẽ phương hại tới ai đó không.
Nếu làm được như vậy thì cái tình kia sẽ trở thành cao thượng, rộng lớn vô hạn, chở che và dung chứa được vạn vật.
Tổng hợp: Trâm Anh Art
(Nguồn: John Chadwick, 1976; Phương Lâm – Thu Hiền, 2017; Alun Salt, 2004)
Kích thước:
. Chiều cao: 35 cm
. Chiều rộng: 20 cm
. Chiều sâu: 15,5 cm
Chất liệu:
. Tượng: Đồng
. Đế: Đá
Liên hệ tư vấn và tham quan:
Điện thoại: +84 28 3829 2600Hotline: +84 91 872 1668
Email: cs@tramanh.art