Vai trò của nghệ thuật trong cuộc sống
Nghệ thuật đóng góp được gì cho cuộc sống của chúng ta? Ngay cả khi mọi người đang dần tỏ ra xem trọng nghệ thuật hơn, câu trả lời đôi khi không dễ dàng bật ra như chúng ta tưởng. Càng quan sát, ta càng nhận ra rất ít người đủ khả năng đưa ra một ý tưởng rõ ràng cho thắc mắc trên.
Nhưng dù vậy, chúng ta có thể khẳng định, có những cách hiệu quả để nghệ thuật sắp xếp, làm rõ những mối quan tâm của con người – và, theo nghĩa này, đơn giản hóa chúng. Thay vì chỉ giúp ta tạm dứt khỏi cuộc sống và lạc vào một thế giới hư cấu, nghệ thuật còn mang đến những lợi ích phi thường khác.
Sau đây là một vài lợi ích như thế.
Nghệ thuật hướng sự chú ý của ta đến những vẻ đẹp đời thường
Tại trung tâm của mọi nền kinh tế là một lực lượng sáng tạo khổng lồ, hay còn gọi là quảng cáo, được tổ chức với mục tiêu tạo ra những liên tưởng hấp dẫn, thu hút sự chú ý của chúng ta và khiến ta tin rằng chỉ khi sở hữu một món đồ cụ thể, ta mới có thể đạt được sự thỏa mãn lâu dài.
Trang sức, tiệc tùng, quần áo, xe hơi đời mới, đồng hồ cao cấp, các món nội thất nhập từ châu Âu, lễ hội, ngôi nhà ven biển, máy bay riêng, những chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Đây là danh sách những gì mà một xã hội tiêu dùng ra sức tôn vinh và gán cho chúng cái mác “đáng mơ ước”.
Thế nhưng, như một hệ quả tất yếu, chúng khiến ta dần quên rằng: chỉ có một số ít thứ được người ta quảng bá trên truyền hình, và quan trọng hơn hết, phần lớn trong số đó không hề giúp chúng ta tìm thấy sự bình yên mà ta hằng mong ước.
Chúng ta cần phải sắp xếp lại tâm trí mình, nhưng lại bị quyến rũ bởi những bộ quần áo vừa ra mắt. Chúng ta mua chiếc máy tính mới như là vật thế chỗ cho lời tâm tình của bạn bè. Chúng ta tham dự những buổi tiệc cuối tuần để thoát khỏi áp lực của chuỗi ngày sắp đến.
Những món đồ xa hoa mang lại cảm giác rằng chúng là giải pháp hợp lý cho các nhu cầu mà ta không hiểu. Đồ vật mô phỏng ở chiều không gian vật chất thứ mà ta cần ở chiều không gian tinh thần. Để rồi cuối cùng, ta nhận ra mình vẫn bất hạnh đến dường nào dù đã sở hữu những thứ kể trên.
Do đó, thật may mắn khi nghệ thuật tồn tại. Từ hàng thế kỷ nay, những người nghệ sĩ, theo cách riêng của họ, đã và đang cần mẫn thực hiện các “chiến dịch quảng cáo”, hướng sự chú ý của chúng ta đến những thứ có ý nghĩa lớn lao trong cuộc sống, nhưng lại đứng trên bờ vực của sự lãng quên.
Chẳng hạn, vào giữa thế kỷ 16, họa sĩ người Đức Albrecht Dürer đã vẽ nên kiệt tác “Great Piece of Turf” nhằm tôn vinh vẻ đẹp của những khóm bồ công anh. Đến giữa những năm 1830, nghệ sĩ tài hoa người Đan Mạch Christen Købke trở thành người “quảng bá” nhiệt thành cho bầu trời, đặc biệt là những khoảnh khắc trước và sau cơn mưa rào.
Trong lĩnh vực điêu khắc, César Baldaccini cũng đã rất thành công khi khắc họa hình ảnh người phụ nữ nông thôn nước Pháp, được ghi dấu qua lăng kính của sự cảm thông, quan tâm và thấu hiểu sâu sắc. Alfred Boucher là một trường hợp tuyệt vời khác khi dành thời gian để mô tả khung cảnh lao động của một người đang xúc đất.
Vậy những nghệ sĩ trên mang lại cho ta điều gì? Rõ ràng nhất, thành quả sáng tạo của họ là sự điều chỉnh vô cùng cần thiết cho cái cách mà chúng ta đánh giá đâu mới thật sự là những thứ đáng trân quý.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự bất mãn với cuộc sống là chuyện chúng ta thường rất tệ trong việc ghi nhớ các thành phần tự nhiên của hạnh phúc. Nói như nhà tâm lý học Stanley Hall, “con người là một sinh vật của thói quen”, và vì thế, ta mau chóng thờ ơ với những thứ mình sở hữu. Ta coi trọng giá trị vật chất hơn là những ý tưởng hoặc cảm xúc; rất nhanh nhạy khi ghi nhớ giá của một món đồ, nhưng lại chậm chạp khi cần nhớ tình yêu và sự quan tâm.
>> Xem thêm: Tượng đồng nghệ thuật và những giá trị thẩm mỹ
Và đó là khi nghệ thuật cất tiếng. Sức mạnh của nghệ thuật nằm ở khả năng tôn vinh các giá trị khó nắm bắt nhưng có giá trị thật trong cuộc sống đời thường. Chúng góp phần định hình lại cách ta đánh giá mọi thứ, giúp ta mở rộng đôi mắt ngắm nhìn thế giới xung quanh, và hơn tất thảy, là thúc đẩy ta trân trọng những gì mình có.
Không phải là các món đồ đắt đỏ, những buổi tiệc thâu đêm hay những lời khen ảo trên mạng xã hội; thứ ta cần sau một tuần làm việc căng thẳng, có lẽ, chỉ đơn giản là một buổi chiều yên tĩnh, nằm dưới một bóng cây và thả hồn theo những áng mây trôi.
Nghệ thuật giúp ta bớt cô đơn
Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật không chỉ dừng lại ở sự mô tả cảm xúc, suy nghĩ hoặc tính cách các nhân vật giống như trong đời thật, nó còn vươn đến khả năng mô tả những điều này tốt hơn chúng ta rất nhiều. Với khả năng vô tận, nghệ thuật là cây cầu đưa chúng ta đến những vùng nhận thức của chính ta nhưng ta không thể tự mình diễn đạt.
Câu chuyện của các nhân vật hư cấu cho ta thấy bức tranh mênh mông về hành vi của con người, và bởi thế, chúng là sự lý giải hoàn hảo cho những xúc cảm bên trong tâm hồn ta.
Nói như Albert Camus, “Sống chẳng bao giờ là việc dễ dàng”. Ở một số khoảnh khắc trong đời, ta sẽ không thể hiểu được tại sao mình lại cảm thấy cô đơn, đau khổ hay tự ti. Nhưng một cuốn tiểu thuyết có thể lý giải cặn kẽ điều đó.
Tất nhiên, việc suy nghĩ về lý do cho những nỗi băn khoăn không miễn cho ta khỏi phải chịu đựng nỗi đau hoặc trở thành người lạc quan ngay lập tức, nhưng nó có thể tạo nền tảng cốt yếu cho sự hồi phục sau này.
Bên cạnh đó, nghệ thuật cũng nhẹ nhàng nhắc nhở rằng: những lo âu, trăn trở, những mối hoài nghi về bản thân, những cơn giận dữ bốc đồng, những đêm mất ngủ, những lúc khóc một mình của ta, là hoàn toàn bình thường.
Ta sẽ nhận ra mình không phải là người duy nhất phải hứng chịu những nỗi bất hạnh nhuốm màu phi lý, và rằng ở đâu đó, một nghệ sĩ, người mà ta chẳng bao giờ có vinh dự gặp gỡ, hoàn toàn hiểu được cảm giác của ta. Bằng tài năng và sự đồng cảm hiếm có, họ chia sẻ nỗi buồn với chúng ta qua những trang sách, những nét cọ hay những nốt nhạc.
Sau khi bị tình nhân bỏ rơi, nhất là khi người ấy đã bày tỏ theo cách tử tế nhất về nhu cầu được dành nhiều thời gian hơn cho chính họ ra sao, ta sẽ thấy nhẹ nhõm biết mấy khi nằm trên giường và lắng nghe người kể chuyện trong Đi tìm thời gian đã mất (Marcel Proust, 1913) đúc kết suy nghĩ của anh ta như sau: “Khi hai người chia tay, ai không yêu sẽ là người nói ra những lời êm ái.”
Thật dễ chịu và an ủi khi chứng kiến một nhân vật nghệ thuật hư cấu cũng hứng chịu những nỗi đau đớn gây ra bởi sự cắt đứt ngọt ngào và, quan trọng là, vẫn sống tốt. Trong khoảnh khắc đó, ta biết mình không phải kẻ thất tình đơn độc duy nhất.
Nghệ thuật giúp ta suy nghĩ thấu đáo hơn
Nghệ thuật không chỉ giúp chúng ta biết trân trọng những gì mình đang có và tìm thấy vẻ đẹp trong cuộc sống hàng ngày, nó còn khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Trải nghiệm của con người là thứ dễ bị sự tóm lược làm tổn hại, đặc biệt là khi những nội dung dạng ngắn làm hao mòn sự kiên nhẫn của chúng ta. Ta có thể hình dung phần lớn văn chương và kịch nghệ sẽ không còn tí hấp dẫn nào, nếu chúng ta bắt gặp nội dung của chúng dưới dạng một mẩu tin tức online. Chẳng hạn:
Mục xã hội: Tại Nga, người mẹ trẻ gieo mình xuống đường ray và thiệt mạng sau những khúc mắt gia đình.
Mục tin tức: Một ông lão đánh cá bắt được con cá kiếm khổng lồ sau hơn tám mươi ngày lênh đênh trên biển.
Mục giới trẻ: Kết cục bi thảm cho cặp tình nhân ở Verona, sau khi ngộ nhận người tình của mình đã chết, một chàng trai tự sát. Biết được số phận người yêu, đến lượt cô gái tự kết liễu đời mình.
Mục hôn nhân: Cuồng mua sắm, gian phụ nợ nần tự sát bằng thạch tín.
May mắn thay, chính tài năng của Tolstoy, Hemingway, Shakespeare, Flaubert đã cho thấy, rõ ràng là ngay cả từ một mẩu tin vắn, cũng vẫn có điều gì đó quan trọng về số phận của Anna, Santiago, Romeo và Bovary.
Dưới ngòi bút của các nhà văn, cuộc đời họ bắt đầu mở rộng, vượt ra khỏi khuôn khổ của những câu chuyện vặt vãnh đơn thuần. Chúng hấp dẫn đến mức khiến ta suy nghĩ về việc dành một khoảng thời gian tĩnh lặng trong ngày và chậm rãi nghiên cứu từng chi tiết.
Bên cạnh văn học, nghệ thuật điêu khắc cũng có thể trở thành một tấm gương buộc chúng ta phải nhìn lại chính mình, thông qua những chủ đề đơn giản như việc một người đang ngồi suy nghĩ.
>> Xem ngay: Tượng trang trí phòng khách giúp nâng tầm không gian sống
Bức tượng “The Thinker” là tác phẩm của nhà điêu khắc Auguste Rodin. Tượng mô tả khung cảnh một người đàn ông đang đắm chìm trong suy nghĩ và những chất vấn nội tâm. Ông ngồi với tay phải chống cằm và tựa phần khuỷu tay lên đùi, thân người hơi nghiêng nhẹ, hòa mình cùng lúc vào dòng suy tư của bản thân.
Thật khó để mô tả The Thinker mà không đi sâu vào chi tiết. Đường nét, hình dạng, chuyển động, sự cân bằng, nhịp điệu của tác phẩm đều đáng để ta chú ý. Người đàn ông trông như thể mọi tế bào trên cơ thể ông đều tham gia vào một quá trình suy nghĩ khó khăn. Tác phẩm thể hiện toàn bộ các cung bậc cảm xúc, từ nghiêm túc, tò mò, cho đến nỗi đau. Một cuộc đấu tranh nội tâm như thế hẳn sẽ là không thể để mô tả một cách ngắn gọn mà không bỏ sót những yếu tố quan trọng.
Vậy vai trò của nghệ thuật ở đâu sau tất cả những ví dụ trên? Nó khiến chúng ta suy nghĩ cặn kẽ, hay nói cách khác, không đi quá nhanh. Và một lợi thế của việc không đi quá nhanh là thế giới có cơ hội trở nên thú vị hơn trong quá trình đó. Một mẩu tin vắn, một người ngồi suy nghĩ, có thể là xuất phát điểm của những ý tưởng sâu sắc, của những ngẫm nghĩ cần thiết về cuộc đời xung quanh.
Nghệ thuật là một địa hạt mà chỉ ở đó các động cơ và hành vi con người mới có thể được khám phá ở tầng nghĩa sâu thẳm nhất, và từ đó, chúng mang đến các giải pháp hữu ích về tinh thần. Một thế giới mà ở đó số đông hấp thụ những bài học hàm chứa trong nghệ thuật sẽ là thế giới mà ở đó, những thất bại, nỗi buồn hay lo âu sẽ không còn là một gánh nặng quá cỡ trên vai ta nữa.
Xin chân thành cảm ơn,