Đóng

Hình tượng con người trong tượng điêu khắc nghệ thuật

Tượng điêu khắc nghệ thuật từ lâu đã lấy cảm hứng từ hình tượng con người.

Từ triết học duy tâm thời cổ đại và tỷ lệ hoàn hảo của thời kỳ Phục Hưng, đến chủ nghĩa hiện thực khắc nghiệt của thế kỷ 20, hình tượng con người đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của những tác phẩm tượng điêu khắc nghệ thuật.

Bên cạnh việc mô tả các đặc điểm vật lý, hình ảnh con người còn mang tính đại diện văn hóa, đạo đức lẫn bản chất của sự tồn tại. Nhân loại đã khiến các nghệ sĩ bận tâm từ thời xa xưa. Nó cho thấy nhu cầu của chúng ta trong việc xác định và tái tạo chính mình.

Mối quan tâm như vậy thường tự chuyển thành nhiều cách thể hiện khác nhau trong nghệ thuật điêu khắc. Vô số chủ đề đã và vẫn đang được tiếp tục khai thác: con người và nghệ thuật, con người và thiên nhiên, cảm xúc, suy nghĩ, tâm tư của con người. Dòng thác chưa bao giờ ngừng chảy.

Thế nhưng, vì sao những nhà điêu khắc lại có đam mê mãnh liệt với con người đến thế? Với vai trò một nhà sưu tầm và phân phối các tác phẩm nghệ thuật uy tín, đội ngũ Trâm Anh Art muốn gửi đến bạn đọc bài viết phân tích về chủ đề hình tượng con người trong tượng điêu khắc nghệ thuật.

Tác phẩm “Peasant woman nursing a baby” - sáng tác của nhà điêu khắc Jules Dalou

Tác phẩm “Peasant woman nursing a baby” – sáng tác của nhà điêu khắc Jules Dalou

Nguồn cảm hứng của tượng điêu khắc nghệ thuật

Trong lĩnh vực mỹ thuật, người họa sĩ thường không vẽ theo một chủ đề nhất định nào. Họ biết cách tạo ra một thực thể có hồn từ một tách trà, một cái chén hoặc một chiếc lông vũ. Những danh họa như Cezanne, Claudio Monet, Henri Matisse, không mô tả riêng lẻ một con người, một quả táo, một vườn hoa, mà sử dụng tất cả để tạo nên một khung cảnh tỏa ra từ nội tâm, ngân vang, mang chất vẽ với tên gọi là “tranh”.

Psyche revived by Cupid’s kiss - bức tượng điêu khắc nghệ thuật bằng đồng được trưng bày tại Trâm Anh

Psyche revived by Cupid’s kiss – bức tượng điêu khắc nghệ thuật bằng đồng được trưng bày tại Trâm Anh

Nhưng với các tác phẩm tượng điêu khắc nghệ thuật, khi nhìn lại những gì đã diễn ra trong suốt hàng nghìn năm phát triển của lĩnh vực này, ta sẽ thấy các nhà điêu khắc dường như có sự “ám ảnh” đặc biệt với con người.

Từ những gì được tìm thấy ở các kim tự tháp ở Ai Cập, những tàn tích còn sót lại của nền văn minh Hy Lạp – La Mã, những kiệt tác nghệ thuật Phục Hưng, sự rực rỡ của phong cách Baroque, hay những trào lưu cách tân hiện đại, con người luôn là nguồn cảm hứng chính của nhà điêu khắc.

Lẽ dĩ nhiên, không ai cấm họ sáng tạo phiên bản bằng đồng của một quả lê hay một cánh đồng hoa, chỉ đơn giản là những nghệ sĩ điêu khắc “ưu tiên” con người trước tất thảy mọi thứ. Hiểu như quan điểm của Michelangelo, nghệ thuật điêu khắc là đem ra ngoài cái hình thể như đang ngủ yên trong khối đá, là truyền sức sống và chuyển động cho nó trong khi vẫn giữ lại đường nét đơn giản của tảng đá. Vậy điều gì lý giải cho sự ưu ái này?

Lý do đầu tiên chúng ta có thể suy đoán là sự phức tạp của thực thể mang tên “con người”. Con người được chứng minh là loài sinh vật duy nhất có ý thức rõ ràng về những hành động và suy nghĩ của bản thân. Không như những loài khác vốn sống theo bản năng là chính, chúng ta tận hưởng cuộc sống theo cách của riêng ta.

Tâm trạng của con người hiếm khi nào tuân theo một quy luật nhất định, ta vui những hôm trời nắng đẹp, chìm vào nỗi buồn man mác trong những ngày mưa. Chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi là đủ để chúng ta hoán đổi cảm xúc của mình. Cùng một chuyển động của cơ thể, năm người có thể diễn tả nó theo năm cách hoàn toàn khác nhau. Đó là còn chưa kể đến những sự kiện diễn ra trong cuộc sống hàng ngày: những bất công xã hội, phân chia giai cấp hay các cuộc chiến tranh giành lãnh thổ.

Tất cả sự hỗn loạn trên tạo nên một xã hội mà tính phức tạp của con người là chất liệu nuôi sống nó. Chính trong sự phức tạp này, nhà điêu khắc tìm thấy cảm hứng để sáng tạo nên những tác phẩm tượng điêu khắc nghệ thuật. Tựa như nhà văn sử dụng ngòi bút, điêu khắc gia sử dụng búa, đục và chất liệu để giữ lại các khoảnh khắc đáng trân quý, thể hiện chúng trên không gian thật và tô điểm chúng bằng những dấu ấn cá nhân.

Tác phẩm tượng điêu khắc nghệ thuật La Seduction được sáng tác bởi nhà điêu khắc Pierre Le Faguays

Tác phẩm tượng điêu khắc nghệ thuật La Seduction được sáng tác bởi nhà điêu khắc Pierre Le Faguays

Mặt khác, con người từ lâu đã xem mình là trung tâm của vạn vật. Tạm gác lại những tranh cãi về tôn giáo, triết học, đạo đức, tất thảy chúng ta đều ngầm thừa nhận con người đóng vai trò cốt lõi của mọi nền văn hóa, và không gì có thể thay thế con người ở vai trò đại diện cho những bước tiến vĩ đại trong lịch sử. Vậy có gì khó hiểu khi các nhà điêu khắc cố gắng sáng tạo nên những bức tượng điêu khắc nghệ thuật mang dáng vẻ con người?

Chúng ta có thể giả định tổ tiên của loài voi sống cách đây hàng nghìn năm cũng không khác mấy so với hậu duệ của chúng ở thế kỷ 21. Nhưng chúng ta vô vọng trong việc tìm lại những gì đã tồn tại ở các bộ lạc thổ dân châu Mỹ, ở La Mã dưới thời vua Alexander hay ở Italia những năm 1400.

Những bức tượng điêu khắc nghệ thuật lấy chủ đề con người là minh họa hoàn hảo cho các nền văn minh đã qua. Bằng cách tôn vinh con người, nhà điêu khắc còn qua đó tôn vinh niềm tin tôn giáo, vinh danh những nhân vật đặc biệt và thể hiện sự trân trọng dành cho thời đại mình đang sống.

Cuối cùng, cấu trúc cơ thể con người cho phép người nghệ sĩ thể hiện tài năng của mình ở mức cao nhất. Không dễ để mô tả chính xác những chuyển động của cơ thể trên những bức tượng điêu khắc nghệ thuật nếu người nghệ sĩ không có đủ kiến thức về giải phẫu cùng sự chú ý, tỉ mỉ đến từng chi tiết như mái tóc, quần áo, cảm xúc khuôn mặt.

Các nhà điêu khắc cổ xưa vốn đã xem cơ thể con người là hiện thân của những giá trị chân thiện mỹ. Khao khát đạt đến sự hoàn hảo đã thúc đẩy họ phá vỡ giới hạn của bản thân, nhằm đạt đến sự vẹn toàn. Theo thời gian, các kiểu dáng cứng ngắc, cũ kỹ bắt đầu chuyển động và hít thở dưới đôi tay của những nghệ nhân tài năng, và chúng hiện ra trước mắt ta như những con người thật. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, hy sinh và niềm đam mê mãnh liệt.

Tác phẩm Pietà của Michelangelo sở hữu mức độ chi tiết đáng kinh ngạc (ảnh: Wikipedia)

Tác phẩm Pietà của Michelangelo sở hữu mức độ chi tiết đáng kinh ngạc (ảnh: Wikipedia)

Trong xưởng học của Domenico Ghirlandaio, cậu bé Michelangelo mười ba tuổi đã cố gắng thâm nhập vào thế giới bí mật của các điêu khắc gia cổ đại, những người biết cách miêu tả cơ thể hoàn mỹ của con người khi chuyển động, với tất cả cơ bắp và gân cốt của nó.

Thay vì tập tành cái phong cách dễ dãi của Ghirlandaio, cậu ra ngoài nghiên cứu tác phẩm của những bậc thầy nổi danh ngày trước, của Giotto, Masaccio, Donatello, và của những điêu khắc gia Hy Lạp trong bộ sưu tập của nhà Medici. Cậu tự mình thực hiện những nghiên cứu về cơ thể học, mổ xẻ và học hỏi từ những nguyên mâu, cho tới khi thân thể con người không còn gì là bí mật đối với cậu.

Nhiều năm sau, những hiểu biết về con người đã giúp Michelangelo sáng tạo nên Pietà, David, The Moses, The Deposition… các tác phẩm giữ vị trí không thể thay thế trong lịch sử của tượng điêu khắc nghệ thuật.

Yếu tố văn hóa trong tượng điêu khắc nghệ thuật

Hình tượng con người trong tượng điêu khắc nghệ thuật chịu ảnh hưởng to lớn bởi các đặc điểm văn hóa. Chúng phản ánh sâu sắc phong cách, niềm tin cùng những quan điểm về thế giới mà người đương thời sở hữu.

Ai Cập

Trong ngôn ngữ Ai Cập, từ “thợ điêu khắc” có nghĩa là “người-giữ-cho-sống-mãi”. Người Ai Cập tin rằng khi một nhân vật cao quý qua đời, việc bảo tồn thân xác của họ là chưa đủ. Nếu chân dung của nhà vua cũng được gìn giữ cẩn thận, người ta chắc chắn rằng ngài sẽ tiếp tục tồn tại mãi mãi. Dần dà, bất cứ ai sở hữu chút ít quyền lực và danh tiếng đều phải chuẩn bị cho đời sau bằng một ngôi mộ tốn kém – nơi chứa xác ướp và tượng của họ.

Một trong những tác phẩm hiếm hoi còn tồn tại đến ngày nay của người Ai Cập cổ đại (ảnh: Australian Museum)

Một trong những tác phẩm hiếm hoi còn tồn tại đến ngày nay của người Ai Cập cổ đại (ảnh: Australian Museum)

Có một vẻ trang nghiêm và đơn sơ nơi những bức tượng Ai Cập khiến người ta khó mà quên được. Rõ ràng là nhà điêu khắc đã không cố làm đẹp cho người mẫu hoặc giữ lại một dáng vẻ chóng qua. Anh ta chỉ quan tâm tới những điều cốt yếu và loại bỏ mọi chi tiết kém quan trọng. Có lẽ chính nhờ sự tập trung hoàn toàn vào những hình dáng cơ bản của đầu người mà những bức chân dung này còn gây được nhiều ấn tượng như thế.

Hy Lạp

Trái ngược với cách xử lý của người Ai Cập, chúng ta tìm thấy sự hoàn hảo đến khó tin trong những bức tượng điêu khắc nghệ thuật thời Hy Lạp.

Khi các nghệ sĩ Hy Lạp bắt đầu tạc tượng đá, họ khởi sự ở nơi những người Ai Cập đã dừng lại. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ người xưa, các nghệ nhân Hy Lạp không hài lòng với bất cứ một công thức nào và đã bắt đầu những thử nghiệm của riêng mình. Nhà điêu khắc muốn biết anh ta phải diễn tả một cơ thể đầy đủ chi tiết như thế nào.

Một bản sao tác phẩm Người Ném Đĩa (Discobolus), phỏng theo tượng đồng của Myron (ảnh: Wikipedia)

Một bản sao tác phẩm Người Ném Đĩa (Discobolus), phỏng theo tượng đồng của Myron (ảnh: Wikipedia)

Trong xưởng, các nhà điêu khắc thử nghiệm những ý tưởng mới và những phương pháp mới trong cách trình bày chân dung con người, và mỗi đổi mới đều được những người khác hăm hở đón nhận, đồng thời thêm vào đó những khám phá riêng của mình. Người này tìm ra cách tạc phần thân trên, người kia nghiệm ra rằng một bức tượng có thể sẽ sống động hơn nhiều nếu hai chân không bám chặt vào phần đế. Và một người khác nữa có thể phát hiện rằng bộ mặt sẽ có sức sống nếu bẻ cong miệng lên để nó như đang mỉm cười.

Mỗi tác phẩm tượng điêu khắc nghệ thuật Hy Lạp đều bộc lộ sự uyên thâm và khéo léo trong việc thể hiện các nhân vật, đặc biệt là cảm xúc nội tâm. Họ ứng dụng kỹ thuật trong những tác phẩm mô tả các vị thần, vận động viên và chính khách,… thứ vốn đại diện cho thế giới của họ. Các bức tượng điêu khắc nghệ thuật Hy Lạp luôn mang dấu ấn của trí tuệ đã sáng tạo ra chúng.

Phương Đông

Nghệ thuật phương Đông cũng có nhiều nét tương đồng nghệ thuật phương Tây. Không chỉ có người Ai Cập hay Hy Lạp mới ứng dụng các phương pháp nghệ thuật cho việc thể hiện niềm tin tôn giáo của mình. Ngay ở Ấn Độ xa xôi, phong cách điêu khắc của người La Mã được các nghệ nhân học hỏi, nổi bật là trong những tác phẩm mô tả về Đức Phật.

Bức tượng Đầu của Đức Phật, được tìm thấy ở Gandhara, phía bắc Ấn Độ (ảnh: V&A)

Bức tượng Đầu của Đức Phật, được tìm thấy ở Gandhara, phía bắc Ấn Độ (ảnh: V&A)

Tượng Phật thường được mô tả trong một tư thế thanh thản, bất động, chân và tay khoanh tròn, mặt trầm ngâm yên lặng. Phong cách này cũng cùng với Phật giáo lan tỏa, du hành khỏi biên giới Ấn Độ, ảnh hưởng đến nhiều khu vực rộng lớn khác nhau ở Châu Á.

Con người trong những tác phẩm tượng điêu khắc nghệ thuật hiện đại

Điêu khắc hiện đại đảm nhận nhiệm vụ gánh vác những giá trị mới nhằm thích ứng với sự thay đổi điều kiện trong kỷ nguyên mới. Xã hội, khoa học, và các trường phái nghệ thuật mới nổi đã làm điêu khắc gia ý thức hơn về chất liệu, công nghệ, đồng thời chú ý đến yếu tố trừu tượng, cách tân ẩn chứa trong các tác phẩm của họ.

Và như một lẽ tất yếu, khi cuộc sống trở nên thay đổi mạnh mẽ bởi quá trình công nghiệp hóa, con người cũng được thể hiện khác đi để phù hợp với thực tế. Hình tượng con người dần bị tước bỏ sự cao quý và lý tưởng. Không còn những bức tượng điêu khắc nghệ thuật mang tính tôn giáo hay anh hùng nữa. Đó là những cử chỉ ngập ngừng và tuyệt vọng trong “The Vanquished” (Rodin, 1877), sự không hoàn hảo trong “Honore de Balzac” (Rodin, 1897).

Tác phẩm The Vanquished của Auguste Rodin, hoàn thành năm 1877 (ảnh: The Met)

Tác phẩm The Vanquished của Auguste Rodin, hoàn thành năm 1877 (ảnh: The Met)

Đỉnh điểm là trong giai đoạn Thế Chiến thứ Nhất, cảm hứng về một tương lai tốt đẹp bị dập tắt. Những bức tượng điêu khắc nghệ thuật lúc này chỉ còn lại hiện thực khủng khiếp và tàn khốc. Nó trở thành chủ đề xuyên suốt trong giới nghệ thuật.

Chẳng hạn, nhà điêu khắc Lehmbruck đã tạo ra nhiều tượng điêu khắc nghệ thuật nói về cái chết. Trong “Seated Youth”, “Standing Youth” và “Fallen Youth”, người xem cảm nhận rõ ràng về sự thiếu vắng lòng tin và tình yêu, những gì còn lại là sự suy sụp về tinh thần của con người. Với những ai theo chủ nghĩa hiện thực, đây mới là những cảm xúc thật sự, chứ không phải những ảo tưởng mơ hồ về tương lai.

Tác phẩm Seated Youth của Lehmbruck, hoàn thành năm 1916 (ảnh: National Gallery of Art)

Tác phẩm Seated Youth của Lehmbruck, hoàn thành năm 1916 (ảnh: National Gallery of Art)

Đến những năm 1960, tức sau thời kỳ Thế Chiến thứ Hai, các nghệ sĩ vẫn tiếp tục mô tả con người, nhưng họ thể hiện nó trong vô số hình dạng, ý tưởng, cảm xúc,… nhằm bộc lộ những nỗi lo âu về sự tồn tại.

Việc rời khỏi hình thức bên ngoài để khám phá tâm lý sâu sắc đã đưa hình tượng con người chìm sâu vào hình ảnh ẩn dụ. Những bức tượng điêu khắc nghệ thuật được cho là có sự hiện diện tâm lý của riêng nó. Ví dụ, tác phẩm “Post Balzac” (Shea, 1991) mô tả trang phục của Balzac mà không có cơ thể của ông, như một cách châm biếm về sự trống rỗng tinh thần mà con người thời đại đó đang hứng chịu.

Tác phẩm Post Balzac của Judith Shea, hoàn thành năm 1991 (ảnh: Flickr)

Tác phẩm Post Balzac của Judith Shea, hoàn thành năm 1991 (ảnh: Flickr)

Trái với những nghệ sĩ cổ xưa vốn xem con người là thước đo của mọi giá trị thẩm mỹ, điêu khắc hiện đại hướng đến việc đảo ngược tư tưởng này. Tác phẩm tượng điêu khắc nghệ thuật hiện đại cố gắng thể hiện anh hùng và lý tưởng theo cách riêng của nó, thay vì thông qua các tiêu chí thẩm mỹ truyền thống.

Con người vẫn là trung tâm, nhưng các nghệ nhân dần bác bỏ lý tưởng và chủ nghĩa anh hùng. Họ chuyển sang ủng hộ phe yếu thế, hình tượng “phản anh hùng”, những đặc điểm xấu xí và biến dạng.

Điều này dẫn đến sự phát triển của nhiều phong cách biểu hiện hơn trong tượng điêu khắc nghệ thuật, một xu hướng được duy trì bởi các phong trào hậu hiện đại và đương đại. Hình tượng con người trở thành trung gian của những mâu thuẫn, trở thành lời thách thức trong việc phân biệt giữa thể chất và tinh thần, lý trí và cảm xúc, thực tại và siêu thực, giữa cái đẹp và cái kỳ quặc.

Nhiều tác phẩm tượng điêu khắc nghệ thuật đương đại vẫn bị chỉ trích về phong cách, kỹ thuật và chủ đề của chúng. Thậm chí, một số còn bị chê bai thẳng thừng là xấu xí, phản cảm, không có giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, việc không được đánh giá cao không đồng nghĩa là chúng vô giá trị. Chúng ta có quyền tin rằng, mọi cách giải thích đều có thể chấp nhận được khi đề cập đến việc thể hiện hình tượng và thân phận con người trong các tác phẩm tượng nghệ thuật.

Xin chân thành cảm ơn,

Những câu hỏi thường gặp

Vì sao con người là chủ đề được nhiều nhà điêu khắc khai thác?

Sự phức tạp, vai trò trung tâm của con người trong lịch sử và yêu cầu khắt khe khi thể hiện là những lý do chính khiến hình tượng con người hấp dẫn những nhà điêu khắc.

Sự khác biệt khi thể hiện con người trong các tác phẩm tượng điêu khắc nghệ thuật hiện đại?

Trái với những nghệ sĩ cổ xưa vốn xem con người là thước đo của mọi giá trị thẩm mỹ, điêu khắc hiện đại hướng đến việc đảo ngược tư tưởng này. Tác phẩm tượng điêu khắc nghệ thuật hiện đại cố gắng thể hiện anh hùng và lý tưởng theo cách riêng của nó, thay vì thông qua các tiêu chí thẩm mỹ truyền thống.

Sự khác biệt khi thể hiện con người giữa hai nền văn hóa Ai Cập và Hy Lạp cổ đại?

Có một vẻ trang nghiêm và đơn sơ nơi những bức tượng Ai Cập. Nhà điêu khắc chỉ quan tâm tới những điều cốt yếu và loại bỏ mọi chi tiết kém quan trọng. Trái ngược với cách xử lý đó, chúng ta tìm thấy sự hoàn hảo đến khó tin trong những bức tượng điêu khắc nghệ thuật thời Hy Lạp.