Trước khi sở hữu tượng trang trí cần tìm hiểu những gì?
Câu chuyện, phong cách và chất lượng là những yếu tố cần lưu ý khi lựa chọn tượng trang trí.
Vào một ngày đầu tháng 2 năm 2010, công chúng thế giới xôn xao về một bức tượng đồng có tên là “The Walking Man” (tạm dịch: Người bộ hành) của nghệ sĩ Alberto Giacometti.
Tại một sự kiện đấu giá nghệ thuật, phiên bản thứ hai của bức tượng đã được bán với mức giá không tưởng: 104,3 triệu đô la. “The Walking Man” trở thành tác phẩm điêu khắc đắt giá nhất lịch sử và hầu hết mọi người đều cho rằng kỷ lục này còn lâu mới bị phá vỡ.
Nhưng chỉ 5 năm sau, “The Pointing Man” (tạm dịch: Người chỉ tay), cũng là một sản phẩm sáng tạo từ chính Alberto Giacometti, đã soán ngôi “người anh em” của mình. Tác phẩm được tỷ phú Steven Cohen mua lại với giá 141,3 triệu đô la.
Đây chỉ là hai trong số những ví dụ tiêu biểu khi lịch sử đã ghi nhận rất nhiều bức tượng điêu khắc được xướng tên trong danh sách các tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao ngất ngưởng. Nhận xét hay đánh giá về tính thẩm mỹ của các tác phẩm này là câu chuyện của cá nhân. Mỗi người sẽ có suy nghĩ riêng khi nhìn vào những bức tượng. Duy chỉ có một điều ta không thể phủ nhận: điêu khắc luôn sở hữu vị trí vững vàng trong thế giới nghệ thuật.
Điêu khắc là lĩnh vực tiêu biểu khi chúng ta nhắc đến những nền văn minh nổi bật như Ai Cập, Hy Lạp, La Mã hay Phục Hưng,… Bằng một cách nào đó, con người luôn bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc. Vẻ đẹp này là sự tổng hợp hài hòa giữa logic, khoa học, khả năng tưởng tượng và đôi tay tài ba của người nghệ sĩ. Cùng nhau, chúng tạo nên thứ mà Pablo Picasso gọi là “nghệ thuật của trí thông minh”.
Theo thời gian, thú vui sưu tầm và trưng bày tác phẩm điêu khắc không còn là sở thích riêng của các chuyên gia, nó đã dần dần tiếp cận nhiều người yêu nghệ thuật hơn. Bên cạnh những bức tranh, những món đồ nội thất đắt tiền, một bức tượng trang trí bằng đồng có thể là điểm nhấn hoàn hảo cho không gian. Nó mang đến vẻ đẹp cổ điển, tao nhã lẫn gợi lên những giá trị tinh thần sâu sắc.
Thế nhưng, lựa chọn tượng trang trí như thế nào là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc, bởi đây là lĩnh vực còn mới mẻ ở Việt Nam, ít nhất là đến thời điểm hiện tại. Thấu hiểu vấn đề trên cùng tinh thần chia sẻ kiến thức đến bạn đọc, bài viết dưới đây từ Trâm Anh Art sẽ gợi ý ba yếu tố giúp mọi người lựa chọn tác phẩm tượng trang trí phù hợp với nhu cầu của mình.
1. Tượng trang trí và câu chuyện của tác phẩm
Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều chứa đựng một câu chuyện, một ý tưởng xuyên suốt. Tương tự như người nhạc trưởng của dàn giao hưởng, tự câu chuyện sẽ dẫn dắt, chi phối và thúc đẩy mọi chi tiết thuộc về tác phẩm. Một sự thống nhất trọn vẹn xuất phát từ một ý tưởng trung tâm. Chúng ta hoàn toàn có thể xem tượng trang trí như thực thể sống, giống như con người, với những ý nghĩa thuần khiết mà chúng thể hiện.
Nghiên cứu ngược dòng lịch sử và nhìn ngắm những kiệt tác ra đời từ thời điểm cách đây hàng thế kỷ, ta sẽ ngạc nhiên trước những điều ẩn chứa sâu bên trong các tác phẩm. Hy Lạp cổ đại là một ví dụ. Hy Lạp tự hào khi sở hữu nền văn minh sáng tạo với đa dạng loại hình, phong cách, cùng các chủ đề, hình thức và cách thể hiện khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực điêu khắc.
Ở thời điểm phồn thịnh nhất, hình ảnh của các vị thần, anh hùng, vận động viên, chính khách và triết gia được trưng bày ở những đền thờ và thành phố lớn. Chúng trở thành nét đặc trưng, là dấu mốc quan trọng góp phần kiến tạo nên nền văn minh Hy Lạp và sau đó là La Mã – hai trong số những chương nghệ thuật hoàn mỹ nhất lịch sử loài người.
Với người dân lúc bấy giờ, các tác phẩm điêu khắc không chỉ mang nghĩa hình thức như những bức tượng trang trí đơn thuần, chúng có câu chuyện, ý tưởng, và cuộc đời riêng biệt. Họ hẳn đã thờ phụng, nghiêng mình trước tượng thần Zeus, với niềm tin rằng có một vị thần sấm đâu đó bên ngoài vũ trụ và bức tượng trước mặt họ là phiên bản thu nhỏ của ngài. Chính từ những tác phẩm điêu khắc như thế, người Hy Lạp đã dệt nên thế giới huyền ảo của những vị thần trên đỉnh Olympia.
Theo thời gian, câu chuyện không còn là “đặc quyền” của những bức tượng mang ý nghĩa tôn giáo, vốn dùng để giáo dục hoặc răn đe mọi người. Chúng trở thành mạch sống của mọi tác phẩm nghệ thuật chân chính. Đó là nguyên nhân đầu tiên, là nguồn năng lượng, là cội rễ của hầu hết các thành tựu sáng tạo. Ta biết điều này khi tìm hiểu về những nghệ sĩ như Michelangelo, Henry Moore, Gustave Frédéric Michel, hay Auguste Rodin.
Năm 1881, Auguste Rodin hoàn thiện tác phẩm mà có lẽ chính ông cũng không ngờ rằng, nó sẽ trở thành một trong những bức tượng nổi tiếng nhất thế giới: Le Penseur (Tên tiếng Anh: Thinker – Người suy tư).
Tác phẩm mô tả một người đàn ông khỏa thân, ngồi trên bệ đá với cằm tựa vào mu bàn tay phải. Hành động nghiêng đầu và sự căng cứng của tất cả cơ bắp khiến người xem cảm nhận rằng người đàn ông đang chìm đắm trong suy nghĩ.
“Người suy tư” là một phần của dự án Gates of Hell (Cổng địa ngục), bao gồm nhiều tác phẩm điêu khắc mà Rodin thực hiện cho một bảo tàng ở Paris. Bức tượng được cho là hình ảnh của nhà thơ và triết gia Dante Alighieri (1265 – 1321), khi ông đang suy ngẫm về nhân loại và tưởng tượng về thế giới bên kia, vốn được thể hiện trong bản trường ca Divine Comedy (Thần khúc).
Nội dung “Thần khúc” có nhắc đến một nhà thơ xuất hiện trước cánh cổng dẫn vào địa ngục. Đó là một người đàn ông trần truồng, ngồi trên một tảng đá, lưng uốn cong, lông mày căng lên, cằm đặt trên bàn tay đang thả lỏng và môi áp vào các đốt ngón tay. Ông ta nhìn thấy hình dạng quằn quại của những người đang đau khổ trong vòng địa ngục bên dưới, và suy nghĩ một cách tĩnh lặng và trầm ngâm về cuộc đời.
Mặc dù cơ thể mạnh mẽ và cao lớn của tác phẩm điêu khắc trái ngược với những miêu tả truyền thống về Dante – vốn mảnh khảnh và nhanh nhẹn, nhiều nhà sử học vẫn cho rằng nhà thơ người Ý chính là cảm hứng để sáng tạo bức tượng. Sự tranh cãi này cũng góp phần nhấn mạnh tính khác biệt và góc nhìn độc đáo của Rodin dành cho “The Thinker”, kiệt tác được ông hoàn thành giữa thời kỳ mà mọi người ưa chuộng vẻ đẹp quý phái hơn.
Sự trường tồn của nghệ thuật điêu khắc bắt nguồn từ những ý tưởng sáng tác. Ngay cả khi không có ý định sở hữu một bức tượng trang trí vào thời điểm này, việc tìm hiểu câu chuyện đằng sau sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về người nghệ nhân, về nền văn hóa đương thời và về những nét đẹp dường như đã bị người đời lãng quên. Suy cho cùng, đó mới chính là cái thú của việc tìm hiểu và thưởng thức nghệ thuật.
2. Phong cách của tượng trang trí
Thông thường, mục đích khi chúng ta khi sở hữu tượng trang trí là để tô điểm không gian sống của mình. Khi được đặt đúng vị trí, tượng trang trí sẽ là điểm nhấn tôn vinh vẻ đẹp của ngôi nhà, của căn phòng. Và mối quan hệ giữa nội thất cùng tượng trang trí sẽ được quyết định một phần từ phong cách của tác phẩm.
Vẻ đẹp của lịch sử nghệ thuật nằm ở sự đa dạng về phong cách. Một bức họa được vẽ ở thời kỳ Phục Hưng sẽ mang đến những cảm nhận hoàn toàn khác nếu so với một tác phẩm phong cảnh thuộc chủ nghĩa hậu ấn tượng. Trong lĩnh vực điêu khắc, đặc biệt là tượng trang trí bằng đồng, sự đa dạng cũng được thể hiện qua chủ đề, thời đại, kỹ thuật của người nghệ sĩ.
Cùng khai thác đề tài động vật, thế nhưng người xem có thể phân biệt rõ ràng giữa tác phẩm từ hai nhà điêu khắc Antoine-Louis Barye và Frederic Sackrider Remington.
Nếu Barye lựa chọn những con thú hoang dã trong tự nhiên như voi, sư tử, bò mộng,… để làm nền tảng cho tác phẩm của ông, thì Remington lại có niềm đam mê mãnh liệt với hình tượng người cao bồi miền viễn tây cùng những chú ngựa sải bước giữa vùng hoang mạc. Hai phong cách khác nhau tạo ra những tác phẩm mang ý nghĩa khác nhau.
Phong cách của tác phẩm là sự lựa chọn dựa trên thị hiếu và sở thích của mỗi người, điều cần thiết là lựa chọn tượng trang trí phù hợp với không gian sống. Tác phẩm “Violinist” (tạm dịch: Nghệ sĩ vĩ cầm) sẽ là điểm nhấn hoàn hảo cho những không gian mang phong cách nhẹ nhàng, cổ điển. Trong khi đó, những bức tượng trang trí mang chủ đề hiệp sĩ như “Achilles on chariot” sẽ mang đến sự uy nghi và mạnh mẽ cho căn phòng.
3. Chất lượng của tượng trang trí
Chất lượng là yếu tố cốt lõi của một tác phẩm tượng trang trí. Cùng với ý tưởng, chất lượng và tính ứng dụng làm nên sự trường tồn của tác phẩm theo thời gian. Người nghệ nhân biết rằng câu chuyện của tác phẩm sẽ được thể hiện thông qua hình thức thẩm mỹ xứng đáng với nó. Không có lựa chọn, không có sự thỏa hiệp nào khác. Một tác phẩm chân chính hình thành từ hàng trăm giờ làm việc căng thẳng và sự tỉ mỉ, tập trung cao độ đến từng chi tiết.
Hiếm có lĩnh vực nào đòi hỏi sự tinh xảo và tỉ mỉ như nghệ thuật điêu khắc. Từ những chất liệu nguyên sơ, nhà điêu khắc sẽ tạc nên những đường nét hoàn chỉnh từ đôi bàn tay của mình, để định hình tác phẩm, để thổi hồn và mang lại sức sống cho tác phẩm. Mỗi bức tượng trang trí được hoàn thành là đỉnh cao sáng tạo của người nghệ nhân.
Được tạo mẫu vào năm 1905, “The Old Dragoons of 1850” được công nhận là tác phẩm phức tạp nhất của nhà điêu khắc Frederic Remington. Nó mô tả cuộc giao tranh giữa một bên là hai người lính thuộc Trung đoàn kỵ binh Hoa Kỳ và bên còn lại là những người bản địa. Cả hai nhóm đều cưỡi trên lưng những chiến mã đang phi nước đại, tay lăm le vũ khí, sẵn sàng tấn công phe địch.
Điều gây ấn tượng cho người xem, lẫn các nhà nghiên cứu, là có ít nhất 20 bộ phận được Remington đúc riêng lẻ, sau đó ghép nối lại với nhau, để tạo thành bức tượng. Trong đó có những thành phần đòi hỏi sự chính xác cực cao như cánh tay, miếng da treo phía sau lưng ngựa, đuôi ngựa,…
Khi quan sát, dù chỉ là từ hình ảnh, người xem có thể cảm nhận sự chân thật được lột tả thông qua tác phẩm: cái nhíu mày giận dữ của người thổ dân, hành động vung kiếm quyết đoán của người lính, bước sải chân đầy mạnh mẽ của những chú ngựa. Gần như không có chi tiết nào là thừa thãi, cũng như không chi tiết nào bị thiếu. Một trận chiến gay cấn đang diễn ra trước mắt ta, ngay cả khi các nhân vật chẳng hề cử động.
The Old Dragoons chỉ có ba phiên bản chính thức được đúc bởi Remington, cho thấy sự phức tạp về phương pháp và sự gian nan của quá trình sáng tạo. Và xuyên suốt dòng chảy lịch sử của nghệ thuật điêu khắc, có những tác phẩm khác cũng sở hữu những giá trị thẩm mỹ cao tương tự.
Tuy nhiên, việc đánh giá chất lượng tượng trang trí không phải là chuyện dễ dàng, đặc biệt là với những người không chuyên. Với những nhà sưu tầm chuyên nghiên cứu về điêu khắc, họ hoàn toàn có khả năng phân biệt giữa một tác phẩm đã hoàn thiện và các phiên bản kém chất lượng hơn. Còn với người xem thông thường, những gợi ý sau đây từ Trâm Anh Art sẽ giúp bạn lựa chọn những tác phẩm tượng trang trí phù hợp nhất.
Điều đầu tiên chúng ta cần lưu ý là những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng thường sẽ có nhiều phiên bản, chúng liên quan đến một khái niệm được gọi là “đồ phỏng cổ”. Như tác phẩm “Người suy tư” được nhắc đến ở phần đầu bài viết cũng đã có đến 28 vật đúc chính thức, dù không phải tất cả đều được thực hiện dưới sự giám sát của Rodin.
Chính vì vậy, chúng ta có thể đánh giá chất lượng của tượng trang trí dựa trên sự tương đồng của tác phẩm so với bản gốc. Theo trang tin Art Bronze Foundry, những chi tiết như khuôn mặt, bàn tay và bàn chân của tượng trang trí là các phần khó để sao chép nhất, vì thế người xem có thể dựa vào chúng để đánh giá chất lượng tác phẩm. Sự chăm chút của người thợ đúc dành cho tác phẩm sẽ được thể hiện qua mức độ tương đồng.
Yếu tố tiếp theo là lớp “Patina” phủ bên ngoài tác phẩm. Patina là từ dùng để chỉ quá trình nhà điêu khắc quét các hợp chất lên tác phẩm, kết hợp với nhiệt độ cao. Quy trình này nhằm bảo vệ bề mặt của đồng thô và tăng vẻ đẹp thẩm mỹ cho tác phẩm.
Chất lượng của tượng trang trí cũng sẽ được thể hiện qua lớp patina. Lớp gỉ này giúp nhà điêu khắc điều chỉnh màu của đồng theo tông màu mà họ mong muốn. Thông thường, nhà điêu khắc sẽ phủ patina lên tác phẩm, sau đó nhấn mạnh các chi tiết quan trọng và tạo cho tác phẩm cảm giác về kết cấu và chiều sâu.
Những tượng trang trí bằng đồng chất lượng tốt sẽ có màu nâu vàng phong phú và chiều sâu, trong khi các tác phẩm điêu khắc khác có một lớp gỉ dày có màu sẫm để có thể giúp che đi những khuyết điểm. Rất khó để giả mạo lớp patina lâu đời này và vì thế, đây là một trong những yếu tố quan trọng khi cần xem xét, đánh giá tính xác thực của một tác phẩm tượng trang trí bằng đồng cổ.
Ngoài ra, chúng ta có thể đánh giá tượng trang trí bằng những phương pháp khác như kích thước, chất liệu hoặc tham khảo từ các nguồn tài liệu uy tín. Nhưng với những trường hợp cần đánh giá nhanh, mức độ chi tiết và lớp platina là những tiêu chuẩn phù hợp.
Tượng trang trí bằng đồng, khi được bảo quản trong điều kiện thích hợp, có thể tồn tại hàng trăm năm mà không có dấu hiệu hư hỏng đáng kể. Nói cách khác, giá trị của tượng trang trí, dù là chất lượng bên ngoài, hay ý nghĩa bên trong sẽ hiếm khi mai một theo thời gian. Độc đáo và nguyên bản sẽ là điểm nhấn cho bất kỳ không gian nào.
Xin chân thành cảm ơn,
4. Những câu hỏi thường gặp
4.1 Nên đánh giá những chi tiết nào của tượng trang trí?
Những chi tiết như khuôn mặt, bàn tay và bàn chân của tượng trang trí là các phần khó để sao chép nhất, vì thế người xem có thể dựa vào chúng để đánh giá chất lượng tác phẩm.
4.2 Những yếu tố cần lưu ý khi lựa chọn tượng trang trí là gì?
Câu chuyện, phong cách và chất lượng là những yếu tố cần lưu ý
4.3 Nguồn cảm hứng của tác phẩm The Thinker?
Các nhà phê bình cho rằng The Thinker là bức tượng mô tả nhà thơ và triết gia người Ý Dante Alighieri
4.4 Đâu là tác phẩm điêu khắc đắt giá nhất?
Tác phẩm The Pointing Man (tạm dịch: Người chỉ tay) của nhà điêu khắc Alberto Giacometti hiện là bức tượng đắt giá nhất: 141,3 triệu đô la.
4.5 Patina là gì?
Patina là từ dùng để chỉ quá trình nhà điêu khắc quét các hợp chất lên tác phẩm, kết hợp với nhiệt độ cao. Quy trình này nhằm bảo vệ bề mặt của đồng thô và tăng vẻ đẹp thẩm mỹ cho tác phẩm.