Đóng

Tượng đồng nghệ thuật và những giá trị thẩm mỹ

Giá trị của tượng đồng nghệ thuật không được quyết định bởi con số ghi trên nhãn hay ý kiến của đám đông.

Từ lâu, chức năng của tượng đồng nghệ thuật đã vượt ra khỏi nhu cầu trang trí đơn thuần hay làm quà tặng đối tác. Chúng ta sở hữu tượng đồng nghệ thuật với mục đích còn là để nâng tầm không gian, định hình phong cách sống của chính mình.

Tuy nhiên, theo thời gian, mọi người dần thay đổi cách nhìn của mình về tượng đồng nghệ thuật nói riêng, và những tác phẩm nghệ thuật nói chung. Nghe theo lời bình phẩm của những người tự xưng là “chuyên gia” trên mạng xã hội, đi cùng với hiệu ứng đám đông, kèm theo đó là sự thiếu sót trong khả năng cảm nhận nghệ thuật, chúng ta tin rằng giá trị của một tác phẩm được quyết định bởi mức giá của nó hoặc độ nổi tiếng của tác giả.

Nếu ai đó nói với chúng ta rằng “một tác phẩm tầm cỡ không phải vì những con số”, ta hẳn sẽ đồng ý với họ ngay mà không mảy may suy nghĩ. Nhưng, một cách vô thức, ta ngầm khẳng định một món đồ rẻ tiền là không đẹp, nhà điêu khắc chưa nổi tiếng là người kém tài, hay đồ bằng vàng mới là giá trị nhất, mặc cho tính phi lý và thiếu logic của những kết luận trên.

Đánh giá như thế quả là bất công với những tác phẩm tượng đồng nghệ thuật – sản phẩm được hoàn thiện từ hàng trăm giờ lao động miệt mài, kết hợp cùng khả năng sáng tạo, quan sát và nắm bắt cái đẹp của nhà điêu khắc.

Sự vội vã này đã dựng lên một tấm màn vô hình, ngăn cách chúng ta chạm đến giá trị thật sự của tác phẩm. Trong khi đó, những hình ảnh vây quanh ta thường không chỉ được thổi phồng quá mức, chúng còn khoa trương một cách vô ích, khiến khả năng cảm nhận của ta ít nhiều bị bóp méo.

Vậy chúng ta cần làm gì? Bài viết này từ đội ngũ Trâm Anh Art có thể sẽ gợi mở cho bạn đọc câu trả lời.

Tượng đồng nghệ thuật và những giá trị thẩm mỹ

Một ý kiến về cái đẹp

Nhà văn Marcel Proust từng viết một tiểu luận ngắn về triết lý của nghệ thuật, trong đó ông nỗ lực tìm cách mang lại niềm vui cho một chàng trai vốn hay ủ dột, ghen tị và bất mãn với cuộc đời.

Nhân vật chính của tác phẩm sống trong một ngôi nhà không có gì đặc biệt (theo quan điểm của chàng), chán ngán nhìn mọi thứ xung quanh mình với sự khinh bỉ: con dao đã mòn, tấm khăn trải bàn nhàu nát, món cốt lết vô vị, những món ăn còn thừa sau bữa tối.

Sự tầm thường chung của khung cảnh trái ngược với giấc mơ mà chàng trai dành cho những món đồ đắt tiền, đẹp đẽ mà mình không đủ tiền mua. Anh ta hẳn cũng ghen tị với những ông chủ nhà băng dư dả tiền bạc để trang hoàng nhà cửa của họ bằng các món nội thất đắt tiền, sáng loáng, từ cây cời than lò sưởi đến cái nắm cửa phòng ngủ.

May mắn thay, vì ở gần bảo tàng Louvre, anh ta có thể cho mình vài cơ hội để ngắm cho thỏa thích những cung điện, lâu đài hay phong cách thời trang quý tộc ở trong tranh của Paolo Veronese hay Van Dyck. Tuy nhiên, thương cảm trước số phận của chàng trai, Proust đề xuất tạo ra sự thay đổi lớn lao bằng một điều chỉnh nhỏ trong hành trình thưởng thức nghệ thuật của nhân vật.

Thay vì để anh hối hả đi tới những phòng tranh treo những bức họa của Claude Monet hoặc Leonardo Da Vinci, Proust đưa anh ta tới một chỗ hơi khác: các phòng tranh trưng bày tác phẩm của Jean-Baptiste Chardin – họa sĩ bậc thầy chuyên mô tả tĩnh vật, những thứ chàng trai vốn cho là nhàm chán.

Một bức tranh của Chardin (ảnh: Wikipedia)

Một bức tranh của Chardin (ảnh: Wikipedia)

Song, mặc cho tính chất bình dị của đề tài, tranh của Chardin lại đặc biệt lôi cuốn và giàu sức gợi tả khi nhân vật chính nhìn vào chúng. Tô trái cây, bình nước, ấm cà phê, ổ bánh mì, con dao, cái nĩa, hàng cá, ly rượu và những lát thịt. Tất cả những thứ mà hàng ngày, anh ta chỉ liếc qua với sự khinh miệt, trở nên thu hút một cách lạ thường. Chardin đã cho nhân vật thấy môi trường sống của anh có thể mang lại những sự hấp dẫn mà trước đây anh ta chỉ gắn với cung điện hay giới hoàng tộc.

Sau khi ngắm những tác phẩm của Chardin, Proust tin rằng ngay cả những căn phòng xoàng xĩnh nhất trong căn hộ của cha mẹ cũng có khả năng làm cho anh ta vui thích. Chàng trai sẽ không còn cảm thấy bị gạt bỏ ra khỏi thế giới của cái đẹp, và không còn quá ghen tị với các ông chủ nhà băng. Anh ta sẽ nhận ra tô trái cây mà mẹ anh đặt trên bàn mỗi buổi sáng cũng đẹp chẳng kém gì đá quý.

Proust hứa hẹn: “Khi anh ta đi lại trong một căn bếp, anh sẽ tự nhủ, nó thật hấp dẫn, thật tráng lệ và thật đẹp, giống như trong tranh của Chardin.”

Giá trị thẩm mỹ của tượng đồng nghệ thuật

Khi viết tiểu luận nói trên, văn hào người Pháp không có ý thôi thúc ta đặt cùng một giá trị cho mọi thứ, để rồi ta cho rằng lọ muối, cái đĩa sành và quả táo trong tủ lạnh nhà mình cũng có giá trị tương đương với nụ cười của nàng Mona Lisa.

Ngược lại, ông khuyến khích ta gán cho chúng giá trị đúng, theo cách thú vị hơn. Qua đó, ta có thể xem xét một cách công bằng về những gì thật sự “đẹp”, đồng thời mở rộng đôi mắt khi ngắm nhìn thế giới xung quanh và duyệt lại những quan niệm mình từng có về thẩm mỹ.

Không chỉ trong lĩnh vực hội họa, ta hoàn toàn có thể áp dụng bài học trên vào địa hạt của những bức tượng đồng nghệ thuật.

Điêu khắc, cũng như mọi loại hình sáng tạo khác, lấy cảm hứng từ cuộc sống. Người nghệ nhân tìm thấy chất liệu từ chính những gì họ nhìn thấy hàng ngày. Đó là những khung cảnh mà chúng ta – những người luôn cho rằng mình rất bận rộn – thường bỏ quên: một người mẹ đang cho con bú, một người đàn ông trung niên đang suy nghĩ hay một nữ công đang hòa mình theo điệu nhạc.

Từ những hoạt động thường nhật như thế, họ tái tạo nên những phiên bản tượng đồng nghệ thuật và cẩn thận lưu giữ chúng trước dòng chảy của thời gian. Do đó, nếu chịu khó quan sát và để tâm hơn một chút, ta sẽ có cơ hội cảm nhận được những gì người thanh niên trong tiểu luận của Marcel Proust đã trải qua, vì sự khác biệt giữa nghệ sĩ và những người khác phần lớn nằm ở cách họ quan sát những thứ xung quanh.

Khoảng cách giữa điều người thờ ơ nhìn thấy trước cảnh lao động của một người đang xúc đất, so với điều mà Alfred Boucher quan sát được ở chủ thể tương tự cho thấy sự khác nhau giữa cách mọi người nhìn nhận về sự việc.

Boucher không chỉ thấy một người đang xúc đất, ông còn thấy ở đó sự tập trung thể hiện qua ánh mắt và động tác của người đàn ông, sức mạnh qua những cơ bắp căng cứng cùng nét đẹp tổng thể trong khung cảnh lao động của Le Terrassier.

Alfred Boucher đã làm giúp ta phần khó nhất là minh họa lại khung cảnh bằng đôi tay tài hoa của ông. Ông bỏ công làm điều đó, ngoài việc thỏa mãn cái tôi sáng tạo, hẳn cũng muốn động viên ta tìm kiếm vẻ đẹp từ những thứ tưởng chừng như chẳng có gì đặc biệt. Chính chúng ta cũng chẳng cần phải học điêu khắc hay hội họa để thật sự cảm nhận cái đẹp, thứ ta cần là sự quan tâm đúng mức đến giá trị của tượng đồng nghệ thuật và có lẽ là cả thời gian.

Tác phẩm Le Terrassier của Alfred Boucher

Tác phẩm Le Terrassier của Alfred Boucher

Nhưng dù là thế, thực trạng hiện nay cho thấy mọi người có xu hướng đánh giá một bức tượng đồng nghệ thuật, một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc, chỉ bằng hành động đơn giản là nhìn vào giá tiền của chúng. Sản phẩm càng đắt, giá trị của nó càng được củng cố và ta lại càng thích nó hơn.

Thế nhưng tại sao ta lại thích những tác phẩm đắt tiền? Với một số người, những câu hỏi như thế có vẻ thừa thãi.

Cũng tương đối dễ hiểu khi chúng ta bị thu hút mạnh mẽ bởi những thứ mà ta tin là có giá trị cao hoặc, được người khác đánh giá là có giá trị cao. Và giá trị của các tác phẩm nghệ thuật, theo chúng ta, được thể hiện qua mức giá mà người ta gán cho chúng. Giống như chàng trai trong tiểu luận của Proust, chúng ta tin giá trị của mọi thứ được quyết định bởi độ đắt tiền, hoặc bởi những người sở hữu địa vị cao trong xã hội.

Ta biết mình cảm thấy thích bức tượng giá vài trăm triệu, chứ không phải vài triệu vì một người trên mạng đã nói giá tiền quyết định tính thẩm mỹ của món đồ. Ta biết mình bị hấp dẫn với một món đồ bằng vàng chứ không phải đồ bằng đồng, vì hàng xóm của ta cho rằng vàng mới là thứ sang trọng và đắt tiền. Ta biết mình ngưỡng mộ một tác giả vì ai cũng nói về họ, chứ thật ra ta cũng chẳng kể tên được hơn 3 tác phẩm của người đó.

Tuy nhiên, dù nói thế nào, giá tiền vẫn không thể đại diện cho chất lượng nghệ thuật của một tác phẩm. Đồng ý là các kiệt tác nổi tiếng có giá rất cao, nhưng liệu mức giá đó là vì ý nghĩa thật sự của tác phẩm, vì danh tiếng của người nghệ sĩ, vì đám đông hay là sự pha trộn của cả ba? Chúng ta không thể nào biết chính xác.

Bức tranh Cafe Terrace at Night (ảnh: Wikipedia)

Bức tranh Cafe Terrace at Night (ảnh: Wikipedia)

Vào giữa tháng 9 năm 1888, Vincent Van Gogh, một người đàn ông Hà Lan không xu dính túi, đã vẽ nên một trong những bức tranh nổi tiếng và được phân tích nhiều nhất lịch sử hội họa: Cafe Terrace at Night. Đau đớn thay, người họa sĩ tội nghiệp không tìm được ai muốn mua bức tranh của ông, cũng chẳng có bảo tàng nào đồng ý cho phép ông trưng bày. Tác phẩm của Van Gogh gần như là vô giá trị với những người cùng thời.

Vậy mà giờ đây, hơn một thế kỷ sau khi ông mất, bức tranh có giá 200 triệu đô la. Chỉ cần ai đó vào cuối thế kỷ 19 bằng lòng mua nó với giá chỉ bằng một phần trăm của con số này cũng đủ để thay đổi cuộc đời của Van Gogh. Chúng ta biết điều đó không bao giờ xảy ra. Sự bất công tương tự xảy ra với rất nhiều nghệ sĩ khác: Claude Monet, Franz Kafka, Paul Thek,…

Giá trị thẩm mỹ của tượng đồng nghệ thuật không được quyết định bởi giá tiền

Giá trị thẩm mỹ của tượng đồng nghệ thuật không được quyết định bởi giá tiền

Quan điểm của Trâm Anh Art từ lâu vẫn là: một bức tượng đồng nghệ thuật đắt tiền chưa chắc đã có giá trị thẩm mỹ vượt trội nếu đặt cạnh một tác phẩm có mức giá dễ chịu hơn.

Với những sản phẩm thông thường, như túi xách, quần áo, đồ điện tử, giá cả sẽ phản ánh phần nào chất lượng của chúng. Một chiếc túi Gucci chính hãng chắc chắn sẽ mang lại trải nghiệm khác biệt so với các thương hiệu còn lại.

Nhưng trong lĩnh vực tượng đồng nghệ thuật, thang đo này không còn yếu tố đáng tin cậy. Sự chênh lệch giá giữa các bức tượng chủ yếu là do kích thước hoặc đối với các sản phẩm giới hạn (limited) chỉ được sản xuất với số lượng ít. Nếu chúng ta đánh đồng giá trị của các bức tượng đồng nghệ thuật với giá tiền của chúng, ta đang đi chệch hướng khỏi mục đích vốn có của nghệ thuật trang trí: sự phù hợp với không gian sống, tính thẩm mỹ và cảm xúc của tác phẩm.

Cũng như cách Chardin đã chỉ cho chàng trai buồn bã thấy rằng cái đẹp không phải lúc nào cũng nằm ở những gì hiển lộ, tượng đồng nghệ thuật cũng nhắc cho ta hiểu giá trị của một tác phẩm không nhất thiết bị buộc vào mức giá mà người khác gán cho nó.

Ta tìm gì ở tượng đồng nghệ thuật?

Ngoài tác dụng trang trí không gian sống, tượng đồng nghệ thuật, cùng vô vàn những loại hình sáng tạo khác, còn là phương tiện để ta soi chiếu tâm hồn mình.

Vẻ đẹp thật sự của tượng đồng nghệ thuật có thể nảy sinh từ sự quan sát kỹ lưỡng các tác phẩm. Chức năng của tượng đồng nghệ thuật còn nằm ở khía cạnh cảm xúc. Điều tốt đẹp nhất mà chúng có thể làm cho người xem, bên cạnh việc làm nổi bật góc phòng ngủ, là mang đến những khía cạnh, những lát cắt, những trải nghiệm có giá trị nhưng bị sự thờ ơ đẩy vào quên lãng, trở lại với cuộc đời.

Vẻ đẹp thật sự của tượng đồng nghệ thuật có thể nảy sinh từ sự quan sát kỹ lưỡng các tác phẩm

Vẻ đẹp thật sự của tượng đồng nghệ thuật có thể nảy sinh từ sự quan sát kỹ lưỡng các tác phẩm

Những nhà điêu khắc tài ba là người giúp ta mở rộng tầm mắt, bởi họ có khả năng tiếp nhận và khắc họa lại các khía cạnh đặc biệt thuộc về sự quan sát hay cảm nhận: nét suy tư của người thiếu nữ đang thả mình trôi theo những giấc mơ, sự tự tin của người chiến binh đang xông pha trên lưng ngựa, hay tính dữ dội của trận chiến giữa bò rừng và gấu.

Chưa kể, họ còn biết cách làm chủ những yếu tố khó nắm bắt, vốn chứa đựng nét lôi cuốn đặc thù của những bức tượng đồng nghệ thuật xuất sắc. Chẳng hạn, bằng một chi tiết nhỏ, Miguel Fernando Lopez khiến ta nhận ra sức hút của nàng công chúa Ai Cập đang mơ màng lắng nghe tiếng sóng biển, nét kiều diễm toát lên từ chiếc váy nàng mặc, mái tóc lẫn dáng điệu tự tin của nàng.

Tác phẩm Egyptian Princess của Miguel Fernando Lopez (ảnh: Mutual Art)

Tác phẩm Egyptian Princess của Miguel Fernando Lopez (ảnh: Mutual Art)

Những giá trị nói trên được tạo ra là để được người xem chủ động tìm thấy chứ không phải là để bắt gặp một cách thụ động, nghe người khác nói về nó hay đọc nhanh một bài review trên mạng. Cái đẹp của tượng đồng nghệ thuật đòi hỏi ta phải chú ý đến các chi tiết nhất định trong tác phẩm, câu chuyện mỹ thuật và phong cách sáng tạo của người nghệ nhân.

Do đó, chúng ta không nên bị đánh lừa bởi tính tức thời của những đánh giá thẩm mỹ thiếu chiều sâu hoặc sự choáng ngợp mà các con số tạo ra, để rồi từ đó ta lại gán cho tác phẩm những giá trị mà chúng hoặc là không xứng đáng, hoặc là thiếu sự chân nhận đúng mức. Rồi sẽ đến lúc ta nhận ra đồng cũng có nét đẹp riêng của nó, rằng không phải cái gì sang trọng cũng phải mang màu vàng hoặc lấp lánh như pha lê.

Dù mục đích của chúng ta khi mua một bức tượng đồng nghệ thuật là để làm quà tặng cho đối tác, trang trí không gian sống hay để thể hiện gu thẩm mỹ độc đáo; chúng ta vẫn cần phải thưởng thức tác phẩm với những suy nghĩ độc lập của chính mình. Bằng không, ta rất dễ đi chệch hướng, trở nên tôn sùng những yếu tố vật chất và bỏ quên tinh thần đích thực của nghệ thuật.

Xin chân thành cảm ơn,

Câu hỏi thường gặp

Vì sao có sự chênh lệch giá giữa các bức tượng đồng nghệ thuật?

Sự chênh lệch giá giữa các bức tượng chủ yếu là do kích thước hoặc đối với các sản phẩm giới hạn (limited) chỉ được sản xuất với số lượng ít.

Vì sao mọi người lại đánh giá giá trị của một tác phẩm qua giá tiền?

Chúng ta bị thu hút mạnh mẽ bởi những thứ mà ta tin là có giá trị cao hoặc, được người khác đánh giá là có giá trị cao. Và giá trị của các tác phẩm nghệ thuật, theo chúng ta, được thể hiện qua mức giá mà người ta gán cho chúng.

Chức năng của tượng đồng nghệ thuật?

Ngoài tác dụng trang trí không gian sống, tượng đồng nghệ thuật, cùng vô vàn những loại hình sáng tạo khác, còn là phương tiện để ta soi chiếu tâm hồn mình.