Đúc tượng đồng qua các thời kỳ lịch sử
Đúc tượng đồng là phương pháp điêu khắc được áp dụng ở nhiều thời kỳ lịch sử.
Từ lâu, tượng điêu khắc bằng đồng đã là một phần trong nỗ lực của loài người nhằm thể hiện sự sáng tạo và truyền tải góc nhìn về thế giới xung quanh.
Từ góc độ lịch sử, đồng là vật liệu phổ biến nhất cho các tác phẩm điêu khắc bằng kim loại đúc. Nó có thể được sử dụng cho hầu hết các bức tượng ở nhiều kích thước. Ngoài ra, đồng còn có thể được dùng làm vũ khí, nhạc cụ, tiền, huy chương,…
Trong bài viết này, Trâm Anh Art sẽ giới thiệu đến bạn đọc về ba giai đoạn nổi bật trong lịch sử – thời điểm mà đúc tượng đồng phát triển thành một loại hình nghệ thuật phổ biến và vẫn còn ảnh hưởng đến văn hóa, đời sống trong hàng ngàn năm tiếp theo. Đó là ba giai đoạn: Hy Lạp – La Mã cổ đại, Trung Hoa cổ đại và thời kỳ Phục Hưng.
Kỹ thuật đúc tượng đồng thời kỳ Hy Lạp cổ đại
Người Hy Lạp và La Mã cổ đại vốn nổi tiếng với khả năng đúc tượng đồng. Hàng nghìn hình ảnh của các vị thần, anh hùng, vận động viên, chính khách, triết gia,… từng được trưng bày tại khu vực công cộng của các thành phố lớn. Trong suốt hơn một thiên niên kỷ, những nghệ sĩ đúc tượng đồng Hy Lạp và La Mã đã tạo ra một phong cách nghệ thuật vốn vẫn còn ảnh hưởng đến tận ngày nay.
Khoảng năm 3000 TCN, các nghệ nhân cổ đại đã nhận ra rằng hợp kim đồng có nhiều ưu điểm hơn so với các kim loại khác. Hợp kim đồng có nhiệt độ nóng chảy thấp hơn đồng nguyên chất nên nó sẽ ở dạng lỏng lâu hơn. Khi đồng nóng chảy đông cứng trong khuôn, hiện tượng nở sẽ xảy ra, cho phép mọi chi tiết của khuôn được lấp đầy. Ngược lại, khi nguội đi, đồng sẽ lại co lại, giúp nhà điêu khắc loại bỏ khuôn dễ dàng hơn. Mặt khác, đồng cũng tạo ra vật đúc tốt hơn và có độ bền vượt trội.
Những bức tượng Hy Lạp đầu tiên có hình thức tương đối đơn giản. Kỹ thuật được sử dụng thời điểm này có tên gọi là sphyrelaton, tạm hiểu là “định hình bằng búa”. Trong quá trình này, người nghệ nhân sẽ làm riêng bộ phận của bức tượng từ những tấm kim loại rèn và liên kết chúng bằng đinh tán. Những tấm kim loại này sẽ tiếp tục được đập xung quanh lõi gỗ đã được chạm khắc trước đó để mang lại hình dạng mong muốn.
>> Xem thêm: Trước khi sở hữu tượng trang trí cần tìm hiểu những gì?
Đến giai đoạn 500 – 480 TCN, sphyrelaton không còn được sử dụng như phương pháp chính. Thay vào đó, đúc mất sáp (lost-wax) trở thành kỹ thuật đúc tượng đồng phổ biến. Đúc mất sáp có lẽ là hình thức đúc tượng đồng nguyên thủy nhất, và vẫn được sử dụng rộng rãi hiện nay. Tuy nhiên, hạn chế của kỹ thuật này là rất khó để đúc các vật thể có hình khối lớn. Với các tác phẩm kích thước lớn, nhà điêu khắc thường phải đúc từng mảnh nhỏ, sau đó ghép lại bằng mối hàn.
Những nhà điêu khắc Hy Lạp đặc biệt quan tâm đến tỷ lệ, tư thế và sự hoàn hảo được lý tưởng hóa của cơ thể con người, từ đó khắc họa nên hình tượng các vị thần. Điều này cũng đồng nghĩa, các vị thần trở nên thực tế hơn và “con người” hơn. Ví dụ, bức tượng người anh hùng Hercules có vẻ mệt mỏi hơn là tinh thần bất khả chiến bại. Chúng ta có thể giả định đây là cách nhà điêu khắc khơi gợi sự đồng cảm của người xem.
Người La Mã sau đó đã tiếp nối những tinh hoa truyền thống của nghệ thuật đúc tượng đồng Hy Lạp. Họ thậm chí còn cải tiến hơn khi tạo ra phiên bản bằng đồng của những bức tượng vốn được làm bằng đá cẩm thạch.
Kỹ thuật đúc tượng đồng thời kỳ Trung Hoa cổ đại
Mặc dù không có những chứng cứ chắc chắn về thời điểm luyện kim bắt đầu phát triển ở Trung Hoa, nhưng theo các nhà nghiên cứu, từ thế kỷ 17 TCN đến thời nhà Hán (khoảng năm 200 TCN), mọi người đã sử dụng đồng trong sản xuất. Vì đồng là một vật liệu bền và có màu sắc nổi bật, nó nhanh chóng trở thành vật liệu chủ yếu để chế tạo vũ khí, nhạc cụ, các vật dụng phục vụ cho nghi lễ truyền thống, lễ lộc cung đình,… với họa tiết tinh xảo.
Trong giai đoạn phát triển đất nước, quá trình đô thị hóa sẽ đi đôi với việc thiết lập trật tự xã hội. Ở Trung Quốc, và nhiều quốc gia châu Á khác, cơ chế tạo ra sự gắn kết xã hội là các nghi lễ. Vì hầu hết các vật dụng cho các nghi lễ ban đầu đều được làm bằng đồng, và vì các nghi lễ mang một chức năng xã hội quan trọng như vậy, không có gì ngạc nhiên khi đồng ngày càng trở thành một vật liệu quan trọng.
Đồng đại diện cho sự trang trọng, tôn nghiêm. Những vị vua thời bấy giờ đã cho đúc những bình khắc để tôn vinh những nhân vật quan trọng đối với triều đình. Ví dụ, Mao Gong Ding – một chiếc giá ba chân bằng đồng – là tác phẩm được ủy thác bởi hoàng gia. Mặt trong của chiếc giá là một đoạn văn dài 497 ký tự, chia thành 32 dòng, kéo dài từ miệng bình đến đáy. Phần mở đầu của đoạn văn mô tả mệnh lệnh cho đúc chiếc bình từ nhà vua, được viết với giọng điệu trang nghiêm. Phần tiếp theo thuật lại quá trình lên ngôi của vua Xuân và cuối cùng là bày tỏ lòng tôn kính đối với triều đình.
Một tác phẩm khác cũng vô cùng nổi tiếng của những nghệ nhân đúc tượng đồng Trung Hoa cổ đại là Tao-Tie (tạm dịch: Con thú háu ăn). Taotie là một sản phẩm sáng tạo, dựa trên nhiều đặc điểm của các loài động vật khác. Thiết kế thường bao gồm một mặt nạ phóng to, đối xứng hai bên, cùng một loạt những chi tiết khác như đôi mắt, mũi, răng nanh, sừng,… Taotie được đánh giá là một trong những thiết kế giàu trí tưởng tượng nhất lịch sử, đồng thời truyền tải sâu sắc văn hóa tôn giáo của người Trung Quốc.
Hầu hết các họa tiết khắc trên đồ đồng đều mang bố cục đối xứng, với thiết kế chạm nổi, nhấn mạnh đặc tính ba chiều của nó. Những tác phẩm này khẳng định thành tựu nghệ thuật của châu Á và chứng minh người Trung Quốc thuở sơ khai đã vô cùng thành thạo trong việc tạo ra các tác phẩm kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật.
Về mặt kỹ thuật, những tác phẩm đúc tượng đồng sớm nhất được chế tạo bằng phương pháp đúc khuôn – trái ngược với phương pháp làm mất sáp được các nghệ nhân phương Tây sử dụng. Cụ thể, tác phẩm sẽ được tạo hình bằng đất sét trước tiên. Sau đó, một lớp đất sét khác sẽ được phủ bên ngoài mô hình để tạo khuôn đúc và nhiều công đoạn phức tạp theo sau.
Theo các nhà nghiên cứu, đúc khuôn rất có thể là phương pháp duy nhất được sử dụng ở Trung Hoa cho đến ít nhất là vào cuối triều đại nhà Thương (khoảng 1600–1046 TCN). Một ưu điểm của kỹ thuật đúc tượng đồng khá rườm rà này là hoa văn trang trí có thể được chạm khắc hoặc dập trực tiếp lên mặt trong của khuôn trước khi nung. Điều này cho phép những nghệ nhân Trung Hoa cổ đại phô bày tài nghệ của mình thông qua những họa tiết độc đáo.
Hiện nay, vẻ đẹp của nghệ thuật đúc tượng đồng truyền thống vẫn có thể được tìm thấy ở những đền thờ, trường học hoặc những vật trang trí trong nhà – tất cả đều chịu ảnh hưởng của nghệ thuật đúc tượng đồng đã phát triển từ thời xa xưa. Ảnh hưởng của thiết kế đúc tượng đồng đã lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác như kiến trúc, may mặc và nội thất hiện đại. Chu trình tiếp nối này cũng là cách mà người dân ở đây duy trì và gìn giữ những nét đẹp văn hóa của mình.
Kỹ thuật đúc tượng đồng thời kỳ Phục Hưng
Kể từ khi Cơ Đốc giáo lan rộng khắp châu Âu, nghề đúc tượng đồng dần biết mất, nhường chỗ cho các loại hình điêu khắc khác. Tuy nhiên, vào khoảng thế kỷ 15, tức thời kỳ Phục Hưng, đồng một lần nữa được sử dụng để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Tầng lớp quý tộc và những nhà bảo trợ châu Âu đã tìm về thị hiếu của tổ tiên họ, những người Hy Lạp – La Mã cổ đại. Họ đặt hàng những bức tượng đồng nghệ thuật để trưng bày trong khuôn viên ngôi nhà của mình, như một biểu tượng của sự giàu có và quyền lực.
>> Có thể bạn quan tâm: 3 giá trị của tượng nghệ thuật khi sở hữu và mua tặng quà
Sự hồi sinh của nghề đúc tượng đồng khởi nguồn từ Florence từ giữa thế kỷ 15. Những di tích nổi bật còn sót lại ở Florence bao gồm tác phẩm Cổng Thiên Đàng của Lorenzo Ghiberti hay David của Donatello. Chúng đều là những tuyệt tác nghệ thuật được thực hiện bởi chính bàn tay con người. Những tác phẩm này đã đặt ra tiêu chuẩn về đúc tượng đồng cho những nhà điêu khắc Ý và phần nào đó là toàn bộ châu Âu. Theo thời gian, nghề đúc tượng đồng nhanh chóng lan sang Padua, Mantua, Venice và cuối cùng là Bắc u.
Những nghệ nhân thời Phục Hưng chủ yếu sử dụng kỹ thuật làm mất sáp để đúc tượng đồng – phương pháp đã được người Hy Lạp và La Mã áp dụng. Sau khi sản xuất xong một mô hình, nhà điêu khắc thường sẽ ký hợp đồng với xưởng đúc chứ không tự mình đảm nhiệm phần việc này. Đến khi quá trình đúc hoàn thành, trợ lý của những nghệ sĩ sẽ thực hiện việc tinh chỉnh và đánh bóng kim loại. Nói cách khác, đúc tượng đồng là một quá trình hợp tác chặt chẽ giữa nhiều bên.
Chủ đề được những nghệ khai thác sẽ xoay quanh các vị thần, anh hùng, và những câu chuyện tôn giáo. Đối với một nhà điêu khắc thời Phục Hưng, nhiệm vụ cao quý nhất là thể hiện hình dáng của con người. Và đồng là một công cụ tuyệt vời hỗ trợ cho mục tiêu đó. Độ chắc chắn của đồng giúp các nghệ sĩ tạo nên những tư thế phức tạp, trong khi tính linh hoạt của nó phù hợp để thể hiện cơ bắp và các mảng sáng tối của tác phẩm. Khi nhìn ngắm những tác phẩm của Michelangelo, Raphael, Giambologna, Alessandro Algardi,… người xem sẽ cảm nhận được sự công phu, tỉ mỉ khó tin được thể hiện qua các chi tiết và đường nét.
Ngoài ra, những nhà điêu khắc thời Phục Hưng cũng trở nên thành thạo hơn trong việc sử dụng lớp Patina để tăng vẻ thẩm mỹ cho các bức tượng. Như Trâm Anh Art đã chia sẻ, sau khi hoàn tất quá trình đúc, các bức tượng sẽ được xử lý bằng dầu để tạo ra lớp màu độc đáo. Theo Christie’s, đồ đồng Florentine từ thế kỷ 16 đến 18 được nhiều nhà sưu tầm đánh giá cao nhờ lớp sơn mài màu vàng đỏ và chúng vẫn đang được săn lùng ráo riết cho đến ngày nay.
Xin chân thành cảm ơn,
Những câu hỏi thường gặp
Chất liệu được các nghệ nhân Hy Lạp cổ đại sử dụng?
Khoảng năm 3000 TCN, các nghệ nhân cổ đại đã nhận ra rằng hợp kim đồng có nhiều ưu điểm hơn so với các kim loại khác và sử dụng chúng cho các tác phẩm của mình.
Kỹ thuật đúc tượng của người Hy Lạp?
Kỹ thuật được sử dụng thời điểm này có tên gọi là sphyrelaton, tạm hiểu là “định hình bằng búa”. Trong quá trình này, người nghệ nhân sẽ làm riêng bộ phận của bức tượng từ những tấm kim loại rèn và liên kết chúng bằng đinh tán. Những tấm kim loại này sẽ tiếp tục được đập xung quanh lõi gỗ đã được chạm khắc trước đó để mang lại hình dạng mong muốn.
Kỹ thuật đúc tượng đồng của người Trung Hoa cổ đại?
Ở Trung Hoa, những tác phẩm đúc tượng đồng sớm nhất được chế tạo bằng phương pháp đúc khuôn.
Chủ đề chính của những nghệ sĩ điêu khắc thời kỳ Phục Hưng?
Chủ đề được những nghệ khai thác sẽ xoay quanh các vị thần, anh hùng, và những câu chuyện tôn giáo. Đối với một nhà điêu khắc thời Phục Hưng, nhiệm vụ cao quý nhất là thể hiện hình dáng của con người. Và đồng là một công cụ tuyệt vời hỗ trợ cho mục tiêu đó.