Đóng

Làm thế nào để xác thực tượng đồng mỹ thuật

Việc đánh giá tính xác thực của một tác phẩm điêu khắc bằng đồng theo các tiêu chí: tượng đồng cổ, tượng đồng giả cổ, tượng đồng phỏng cổ, tượng đồng cổ giả…thật sự không phải lúc nào cũng đơn giản.

Có rất nhiều những tiêu chuẩn và sắc thái để xét và chọn và vì thế cần rất nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm qua một quá trình thực hành và xử lý lâu dài. Tuy thế, cho đến nay, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này vẫn thường thừa nhận, phương pháp đáng tin cậy nhất khi xem xét “tính xác thực” của của một tác phẩm điêu khắc bằng đồng lại là phản ứng ban đầu khi lần đầu tiên nhìn thấy pho tượng đấy. Thật sự là với các chuyên gia, chỉ trong vài giây đầu tiên, một tác phẩm điêu khắc có thể tự nó nói lên rằng nó là đồ “thật hay giả mạo”.

Trước hết ta hãy bắt đầu với một số khái niệm chung:

“Đồng” là một hợp kim được tạo ra bằng cách nấu chảy hai kim loại khác nhau và trộn chúng. Hai kim loại đấy là đồng (90%) và thiếc (10%).

Đồng, tự nó khá mềm và nhìn chung dễ bị phá hủy, nhưng nếu trộn một ít thiếc vào đồng, nó sẽ trở thành đồng – hợp kim, trở nên chắc khỏe hơn, rất hữu ích cho việc chế tác thành các công cụ cũng như đúc tượng.

Trong một số trường hợp, các thành phần khác được thêm vào để tạo ra các tính chất vật lý khác nhau trong vật liệu như chì, kẽm, nhôm, mangan và xi-lích (silicon)…

Tất cả các thành phần này tạo ra một hợp kim cứng, chắc, bền… hơn nhiều so với đồng nguyên chất.

Việc tạo ra một tác phẩm điêu khắc chất lượng hoàn hảo là một nghệ thuật đỉnh cao. Nó liên quan đến nhiều năm thực hành với bề dày kinh nghiệm cộng với tài năng và các kỹ năng đặc biệt để tạo nên được vẻ đẹp trường tồn với thời gian và thổi hồn vào tác phẩm. Trong đó có một khâu rất quan trọng là nghệ thuật gia công bề mặt.

Làm thế nào để xác thực tượng đồng mỹ thuật

Khi một tác phẩm điêu khắc bằng đồng hoàn tất quá trình đúc, nó được làm nguội, tiếp đó dùng các công cụ thủ công để cắt đi các thanh định hình rãnh rót kim loại, các bavia trên về mặt vật đúc. Người thợ gia công bề mặt lành nghề, trong quá trình xử lý, sẽ tạo thêm các chi tiết tinh tế theo đúng như dự định và mong muốn của nhà điêu khắc. Quá trình này khá riêng biệt và có tính đặc thù đối với mỗi người thợ ở từng xưởng đúc. Tương tự như việc một số chuyên gia về hội họa, chỉ nhìn vào “nét cọ” là có thể nhận ra tác phẩm của từng họa sĩ. Chất lượng tổng thể của chi tiết bề mặt tác phẩm điêu khắc vì vậy có thể giúp xác định cả độ tuổi và tính xác thực.

Gia công bề mặt của tác phẩm điêu khắc đồng để đạt được những yêu cầu như trên là một quá trình khó khăn, tốn sức lực, tốn thời gian và tốn kém. Mặt khác ngày càng có ít chuyên gia (thợ) có thể đạt được kỹ năng gia công bằng tay với chất lượng cao  trên bề mặt tác phẩm. Vì thế phần lớn công việc này hiện được thực hiện bằng các loại máy móc điện-cơ khí, thậm chí các dàn máy điện-cơ-máy tính với qui trình được tự động hoá. Quá trình sử dụng máy móc không giống như làm thủ công, chúng “vô cảm” và làm cho bề mặt thường quá mịn hoặc tạo nên các đường cơ học hình thành do được thực hiện bằng máy mài, máy khoan điện…, không thể thể hiện được vẻ đẹp đặc thù như khi sử dụng các dụng cụ thủ công cầm tay.

Xem thêm: Tượng trang trí phòng khách giúp nâng tầm không gian sống

Tác phẩm điêu khắc bằng đồng sau khi được gia công bề mặt, theo thời gian một lớp vỏ ô-xit đồng sẽ hình thành trên bề mặt làm thay đổi màu sắc của nó. 

Tuy nhiên nhà điêu khắc và các xưởng đúc thường chủ động tạo nên lớp patina phủ lên tác phẩm bằng cách sử dụng các hợp chất (dung dịch) hoá học quét lên bề mặt tác phẩm đồng thời với việc dùng “đèn khò” để gia nhiệt. Điều này được thực hiện nhằm bảo vệ bề mặt của đồng thô tránh bị oxy hóa theo thời gian cũng như tăng vẻ đẹp thẩm mỹ.

Có hai loại patina khác nhau. Patina hóa học tác động lên bề mặt của đồng làm cho bề mặt thay đổi màu sắc thông qua quá trình oxy hóa hoặc a-xít hoá, tạo cho bề mặt cảm giác “ấm”, làm nổi bật tính chân thực của chủ thể. Loại khác là patina “sơn”, cách này có thể tạo nên lớp phủ với màu sắc phong phú, tuy nhiên chúng không bền bằng, dễ mòn và phai màu hơn.

Patina hóa học trông khác với patina “sơn” bởi vì chúng không chỉ che phủ bề mặt mà còn thay đổi kết cấu bề mặt của chính nó. Cũng giống như với đồ nội thất cổ, tác phẩm điêu khắc đồng với lớp patina này sẽ mòn dần theo năm tháng, theo những cách thức riêng biệt, độc đáo và trở thành một phần của lịch sử điêu khắc đồng.

Rất khó để giả mạo lớp patina lâu đời này và vì vậy đây là một trong những yếu tố quan trọng khi cần xem xét, đánh giá tính xác thực của một tác phẩm điêu khắc bằng đồng cổ.

Đối với các pho tượng đồng cổ, bên dưới lớp patina là đồng có màu hồng do hàm lượng lớn đồng có trong hợp kim đúc. Điều này rất khác với các hợp kim đồng rẻ hơn được sử dụng ngày nay có nhiều silicon trong hỗn hợp. Các quá trình hóa học được áp dụng hiện tại dẫn đến màu sắc hợp kim “mỏng” hơn do bị trộn với màu bạc và xám.

Các “màu sơn lạnh” được sử dụng ngày nay cũng khá khác biệt về tông màu và kết cấu so với những gì được tìm thấy trên đồ cổ, vì chúng không có thời gian để “xuống màu” hay chịu đựng sự hao mòn với những yếu tố tự nhiên khác nhau theo thời gian.

Nhiều tác phẩm điêu khắc, đặc biệt là những tác phẩm điêu khắc mỹ thuật trang trí từ cuối Thế kỷ XIX sang đầu và giữa Thế kỷ XX, được đặt trên bệ đá hoa cương hoặc đá cẩm thạch. Chúng được dùng để bảo vệ bề mặt đồ nội thất tránh bị trầy xước bởi kim loại, đồng thời tạo chiều cao, độ vững chãi cho tác phẩm.

Căn cứ vào màu sắc, kiểu vân, kết cấu, xuất xứ… của các bệ đá này, có thể biết được thời điểm khai thác, chế tác bệ đá, từ cũng có thể suy ra tuổi của tác phẩm điêu khắc.

Cũng có thể xác thực một tác phẩm điêu khắc đồng thông qua kiểm tra kích thước.

Một trong những đặc điểm của đồng là nó nở ra khi được nung nóng và co lại khi được làm nguội. Co thắt khi làm nguội dẫn đến sự co rút kích thước từ 2% đến 3%. Do đó đối với các phiên bản “đúc lại” từ một tác phẩm gốc, kích thước của chúng thường nhỏ hơn một lượng tương ứng.

Cuối cùng là, có thể xác thực một tác phẩm điêu khắc đồng thông qua việc tham khảo các sách vở, tài liệu. 

Có một vài trang web có thể cung cấp các tài liệu tham khảo về các nhà điêu khắc cũng như cách nhận biết những chi tiết, phong cách điêu khắc riêng biệt, đặc thù của họ. 

Ngoài ra cũng có thể tham khảo thêm Niên giám về nội dung cũng như kết quả hoạt động của các sàn đấu giá các tác phẩm điêu khắc mỹ thuật trong 20 năm qua. Đấy là những dịch vụ được đăng ký và do vậy chúng có thể đáng tin cậy.

Với tất cả những vấn đề phức tạp nêu trên, nên cho dù có nhiều cách thức, phương pháp để thẩm định, đánh giá, thì có thể nói, mua một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật là một “vấn đề của niềm tin”. Vì thế, điều quan trọng nhất hẳn là nên mua từ một nhà bán lẻ (gallery) đáng tin cậy. Ở đó người mua dễ dàng nhận được các thông tin liên quan đến tác phẩm, các mô tả chi tiết về hình ảnh, kích thước, phương pháp chế tác và các quy trình nghệ thuật… Ở đó người mua cũng sẽ nhận được sự chăm sóc tận tình cũng như nhận được các điều kiện trả hàng, đổi hàng một cách chu đáo, trung thực và uy tín.

Tốt hơn hết, nhất là đối với những tác phẩm, những tạo vật có giá trị lớn, người mua nên có sự tiếp xúc trực tiếp bằng tay, bằng mắt. Kiểm tra các họa tiết, các chi tiết và bề mặt…bằng cách soi chiếu dưới ánh sáng, một cách cẩn trọng, chậm rãi và từ tốn. Để rồi, người mua, theo cách nào đó, có thể cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm từ sự giao hòa và rung cảm của chính tâm hồn mình.

Tổng hợp & Biên soạn: Trâm Anh Art