Đóng

Ormolu: Đẹp như Vàng

Hầu như không nhiều người, ngoài giới nghiên cứu và những người quan tâm nghiêm túc về đồ cổ, được biết: vật liệu ormolu – còn được gọi là đồng mạ vàng hoặc đồng dorée – là nền tảng của nghệ thuật trang trí châu Âu trong Thế kỷ XVIII và XIX.

ormolu cực kỳ thiết thực, hữu dụng và đầy vẻ sang trọng, lộng lẫy, huy hoàng

Là vật liệu vô cùng bền chắc, được làm từ đồng mạ vàng, ormolu cực kỳ thiết thực, hữu dụng và đầy vẻ sang trọng, lộng lẫy, huy hoàng. Đây chính là lý do mà ormolu được sử dụng trong nhiều món đồ nội thất quan trọng và xa xỉ, trong thời kỳ này.

Màu sắc đẹp và phản chiếu ánh sáng rực rỡ, làm cho nó trở thành sự lựa chọn tuyệt vời trong việc trang trí cho các nội thất một vẻ đẹp táo bạo và quyến rũ. Thêm vào đó, nó có được “chất lượng vàng” đẹp một cách tinh tế, quý phái và vương giả mà không cần tới chi phí khổng lồ của vàng nguyên khối. Mặt khác nó cũng không mang lại cảm giác hào nhoáng, bóng loáng, rẻ tiền của các sản phẩm thay thế vàng khác.

Chính vì những lý do này mà nó được các nghệ nhân của Thế kỷ XVIII và XIX ưa chuộng, trên toàn cầu, trong nhiều ngành nghề đa dạng như chế tác đồng hồ, gốm sứ, đồ mộc nội thất, điêu khắc và thậm chí là đóng sách…

Ormolu là gì?

Ngày nay, thường có sự nhầm lẫn về việc ormolu thực sự là gì. Thông thường nhất, thuật ngữ ormolu được sử dụng để chỉ một vật bằng đồng được phủ xung quanh toàn bộ bề mặt của nó bằng vàng, thường là vàng 18 hoặc 24 karat. Đây là lý do tại sao nó cũng được gọi là đồng mạ vàng, hoặc trong tiếng Pháp –  đồng dorée.

Tuy nhiên, nói đúng ra, thuật ngữ ormolu đề cập đến cả kỹ thuật ứng dụng (mạ) vàng vào kim loại (thường là đồng) cũng như đối tượng đã hoàn thành việc mạ vàng.

Thật vậy, từ ormolu xuất phát từ tiếng Pháp hoặc moulu, có nghĩa là vàng hoặc bột vàng: hình thức của vàng trước khi nó được áp dụng (mạ) lên kim loại.

Chính yếu tố vàng này – hay moulu – tạo nên ormolu.

Tại sao Ormolu rất có giá trị?

Vàng là một trong những vật liệu rất có giá trị (nếu không nói là có giá trị nhất) mà con người biết đến. Kể từ buổi bình minh của nền văn minh, vàng đã được sử dụng trên toàn thế giới như một hình thức tiền tệ. Sự giàu có được đo bằng số vàng sở hữu. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi mọi người thèm muốn những món đồ quý giá được làm từ vật liệu này.

Thế nhưng vàng nguyên chất quá mềm để tạo thành những đồ vật lớn. Lý do khác chỉ đơn giản là nó quá đắt, ngay cả đối với những người vô cùng giàu có. Ormolu là giải pháp hoàn hảo cho vấn đề này: bằng cách lấy kim loại đồng, rẻ hơn và cứng hơn vàng, thợ thủ công có thể phủ vàng và làm cho các vật thể dường như được làm hoàn toàn từ vàng, nhưng rõ ràng là không phải trả chi phí lớn.

Mặc dù ormolu không đắt như vàng, nhưng thật sự nó cũng không rẻ. Ormolu là một vật liệu xa xỉ, được chế tạo bởi chỉ những thợ thủ công lành nghề nhất, mà chỉ những người thật giàu có mới có thể mua được.

Không chỉ đơn giản là một sự thay thế rẻ hơn cho vàng, ormolu là một hình thức nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó. Quá trình đúc đồng và mạ vàng là một qui trình tốn nhiều thời gian, đòi hỏi nhiều bí quyết, kỹ năng và sự khéo léo.

Cách nhận biết Ormolu

Bất cứ ai đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về cổ vật châu Âu của Thế kỷ XVIII và XIX sẽ có thể nhận ra ormolu. Nó thường được tìm thấy trên đồ nội thất cổ, bình hoa, đồ sứ và đồng hồ… như là một vật – chi tiết trang trí. 

Hoạ tiết ormolu trên chiếc bình kim loại cổ của Nga

Hoạ tiết ormolu trên chiếc bình kim loại cổ của Nga

Các khung (gọng, giá) Ormolu có những đặc tính của điêu khắc hoặc kiến ​​trúc: nghĩa là chúng thường mô phỏng, sao chép các tác phẩm điêu khắc (hình tượng, thực vật, động vật…) hoặc mô phỏng, sao chép các yếu tố kiến ​​trúc (cột, lan can, khung, giá đỡ). Theo cách này, ormolu là một yếu tố trang trí đồng thời là nền tảng cho thiết kế của một tác phẩm. Nghĩa là, cùng một lúc nó vừa là trang trí và vừa là (tham gia vào) cấu trúc.

Nếu được chăm sóc, bảo trì tốt, ormolu sẽ có vẻ ngoài rực rỡ, tươi sáng như vàng, nó có độ cứng và trọng lượng của một kim loại chắc khỏe. Nếu bị trầy xước mạnh, đồng sẽ có thể được nhìn thấy bên dưới lớp phủ vàng. 

Ormolu được làm như thế nào?

Quá trình sản xuất ormolu là một quá trình gian khổ và bao gồm một số giai đoạn sản xuất phức tạp.

Trước hết, người thợ làm cho vật bằng đồng sẵn sàng để mạ vàng. Trong Thế kỷ XVIII và XIX, đồ đồng thường được đúc theo “phương pháp mất sáp” (lost wax casting). Qui trình tóm tắt là, trước hết tạo ra một mô hình sáp của vật thể, lắp nó vào vỏ thạch cao và cao su, sau đó nung nóng để sáp tan chảy. Đồng nóng chảy được đổ vào khuôn và sau đó nó được làm nguội và lấy ra khỏi khuôn, làm sạch và tinh chỉnh.

Trong sản xuất đồ cổ, đồng hồ và đồ điêu khắc, thường có hai kỹ thuật khác nhau để áp dụng (mạ) vàng vào đồng.

Kỹ thuật ít phổ biến và đơn giản hơn là đánh bằng búa lá vàng hoặc dát (thếp) lá vàng lên bề mặt của đồng. Phương pháp này không còn được ưa chuộng khi các kỹ thuật phức tạp hơn được phát triển, vì chúng rất khó để tạo ra loại chi tiết tinh xảo mà đã trở nên một đòi hỏi rất quan trọng đối với đồ nội thất châu Âu trong Thế kỷ XVII và XIX.

Phương pháp phổ biến hơn được sử dụng trong giai đoạn này là những gì được gọi là thủy ngân mạ vàng, hay mạ vàng lửa, mặc dù nó thực sự là một kỹ thuật cổ xưa có từ Thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Qui trình mạ vàng này thực hiện bằng việc áp dụng dung dịch nitrat thủy ngân vào đồng, tiếp theo là hỗn hợp thủy ngân và bột vàng được gọi là hỗn hống. (Vàng hòa tan trong thủy ngân, tạo thành hỗn hống, nhưng đây không phải là phản ứng hóa học). Vật thể bằng đồng sau đó được nung nóng để thủy ngân, có nhiệt độ sôi thấp hơn, bay hơi, để lại bột vàng đã nung chảy trên bề mặt của đồng.

Phương pháp này, mặc dù được áp dụng rộng rãi trên khắp châu Âu, nhưng cực kỳ nguy hiểm cho con người, vì khói thủy ngân độc hại do quá trình này tạo ra. Do tiếp xúc với khói thủy ngân, những người thợ thường không sống sót sau 40 tuổi. Sau khoảng năm 1830, luật pháp ở Pháp đã cấm sử dụng thủy ngân, Tuy nhiên, luật pháp đã được thi hành rất tệ, đến nỗi mạ vàng thủy ngân vẫn là phương pháp chính để tạo ra ormolu cho đến khoảng năm 1900 và vẫn được sử dụng cho đến khoảng năm 1960 trong rất ít xưởng. 

Một mô hình của mặt nạ bảo vệ được đeo bởi những người thợ để ngăn họ hít phải khói thủy ngân độc hại. Chiếc mặt nạ được thiết kế sao cho người đeo nó sẽ hít thở không khí phía sau anh ta, thay vì khói trước mặt anh ta. Tuy nhiên như quý vị có thể tưởng tượng, nó không hiệu quả lắm.

Một mô hình của mặt nạ bảo vệ được đeo bởi những người thợ để ngăn họ hít phải khói thủy ngân độc hại. Chiếc mặt nạ được thiết kế sao cho người đeo nó sẽ hít thở không khí phía sau anh ta, thay vì khói trước mặt anh ta. Tuy nhiên như quý vị có thể tưởng tượng, nó không hiệu quả lắm.

Ngày nay, quá trình mạ vàng đồng bao gồm một quy trình điện hóa phức tạp được gọi là mạ điện, hoặc mạ vàng. 

Mạ vàng tự nó là một qui trình cổ xưa, có từ hàng ngàn năm. Các ví dụ được ghi lại sớm nhất về các vật thể mạ vàng có từ thời Ai Cập cổ đại (khoảng năm 2000-1000 trước Công nguyên).

Tuy nhiên, rất khó để xác định nguồn gốc chính xác của ormolu hoặc mạ vàng. Một số ví dụ sớm nhất về đồng mạ vàng trang trí, đặc biệt là về đồng mạ vàng làm bằng mạ vàng thủy ngân được cho là đến từ Trung Quốc, từ Thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Đồng thời ở châu Âu, trong suốt thời trung cổ, mạ vàng được áp dụng chủ yếu cho bạc thay vì bằng đồng. Điều này được gọi là mạ bạc hoặc vermeil.

Có một số tác phẩm nghệ thuật tinh xảo được tạo ra bằng cách sử dụng đồng mạ vàng trong suốt thời kỳ Phục hưng và thời Trung cổ, như nghệ sĩ người Ý thời kỳ Phục hưng Thế kỷ XV Lorenzo Ghiberti thiết kế lối vào Baptistery of San Giovanni ở Florence. Tuy nhiên, đến tận thế kỷ 17 ở Pháp, ormolu mới bắt đầu được sử dụng rộng rãi và đó là những đồ nội thất của Pháp được sản xuất trong Thế kỷ 18 và 19 mà chúng ta thường liên tưởng nhất đến ormolu.

Xem thêm: Câu chuyện điêu khắc: Từ đất sét đến tượng đồng

Ormolu và Baroque

Khung (gọng, giá) hoạ tiết đồ đồng trên đồ nội thất thường được sử dụng ở châu Âu trong suốt thời Trung cổ và cả sau đó, mặc dù chúng không được mạ vàng và vai trò của chúng chủ yếu là ở chức năng về công dụng hơn là trang trí. (Chẳng hạn, những họa tiết bằng đồng xung quanh một lỗ khóa trên cánh cửa nội thất nhằm ngăn veneer bị trầy xước bởi chìa khóa).

Vào Thế kỷ XVII, bản chất và vai trò của các yếu tố đồng này đã thay đổi đáng kể, nhờ vào một sự phát triển một phong cách quan trọng trong nghệ thuật: Baroque châu Âu.

Thời kỳ Baroque châu Âu (Thế kỷ XVII và đầu Thế kỷ XVIII) là thời đại huy hoàng đầu tiên của “ébéniste”. Các nhà sản xuất nội thất đã đạt được danh tiếng lớn thông qua việc tạo ra những món đồ nội thất sang trọng, tinh tế và xa hoa cho một nhóm khách hàng giàu có ngày càng quan tâm đến việc thể hiện sự giàu có của họ.

Ormolu trở thành một vật liệu tự nhiên cho những quý tộc này sử dụng để trang trí các cung điện rộng lớn của họ, nhờ vào ánh sáng rực rỡ của nó. 

Trước đây đồ nội thất của họ chỉ có các yếu tố bằng đồng đơn giản thì trong thời đại mới này, họ đã đưa vào các khung (gọng, giá) họa tiết ormolu lớn hơn và phức tạp hơn. Chúng trở nên là một phần không thể thiếu trong sản phẩm nội thất để khẳng định phẩm chất nghệ thuật của nó.

Ngoài ra, ormolu trong Baroque được sử dụng rộng rãi trong sản xuất chân nến và đèn chùm. Màu sắc rực rỡ của nó là một lựa chọn hoàn hảo trong các thiết bị chiếu sáng, vì bề mặt vàng sẽ phản chiếu ánh sáng để tạo ra hiệu ứng lung linh, lấp lánh.

Theo cách tương tự, đồng mạ vàng trở thành lựa chọn rõ ràng cho khung gương trong Baroque.

Có lẽ không ai có thể nói về tinh thần thượng lưu của Baroque nhiều hơn Nhà Vua Pháp Louis XIV (trị vì 1643-1715). Ông được cho là đã nói vào năm 1663 rằng “không có gì cho thấy rõ hơn sự huy hoàng và uy nghiêm của các hoàng tử vĩ đại hơn là các cung điện tuyệt vời và đồ nội thất quý giá của họ”.

Sự tráng lệ của đồ nội thất Pháp trong thời Louis XIV đã được tóm tắt trong tác phẩm của một ébéniste đặc biệt nổi tiếng, Andre-Charles Boulle (1642-1732), trong số những sáng tạo khác, đã phổ biến việc sử dụng những khung, gọng họa tiết bằng đồng mạ vàng lộng lẫy trên đồ nội thất của mình.

Một số họa tiết ormolu tinh xảo của Andre Charles Boulle gắn trên đồ mộc nội thất.

Một số họa tiết ormolu tinh xảo của Andre Charles Boulle gắn trên đồ mộc nội thất.

Rococo ormolu

Khi thời kỳ Baroque chuyển sang Rococo – hay cuối Baroque của Thế kỷ XVIII, ormolu một lần nữa là nền tảng cho phong cách thiết kế và trang trí nội thất vui tươi, rực rỡ và lộng lẫy.

Phong cách đồ nội thất của Rococo thiên về các đường cong, hình răng cưa: các khung (gọng, giá) họa tiết ormolu được sử dụng để nhấn mạnh các đường viền cong, các hình cuộn, cũng như các giá treo trang trí theo cách riêng của chúng.

Các họa tiết nổi tiếng của thời kỳ đó: vỏ sò, lá, sóng biển và hoa – thường được tìm thấy dưới dạng gắn kết ormolu trên các vật thể,

Một phần của tủ thời kỳ Rococo với khung họa tiết ormolu. Lưu ý: cách các khung ormolu gắn xung quanh các cạnh làm nổi bật các đường cong tuyệt đẹp của tủ

Một phần của tủ thời kỳ Rococo với khung họa tiết ormolu. Lưu ý: cách các khung ormolu gắn xung quanh các cạnh làm nổi bật các đường cong tuyệt đẹp của tủ

Một trong những nhà sản xuất đồ đồng mạ vàng quan trọng nhất vào thời kỳ Rococo giữa thế kỷ 18 là nghệ sĩ người Pháp Jacques Caffieri, người chuyên làm đồ đồng cho đồ nội thất, đồng hồ và đèn chùm. Ông đã sản xuất nhiều khung, giá họa tiết ormolu trang trí cho Cung điện Versailles.

Những thợ thủ công nổi tiếng khác đã sản xuất ormolu theo phong cách Rococo tuyệt vời bao gồm các thợ đúc đồng Jean-Claude Duplessis (1699-1774) và François Rémond (khoảng 1747-1812), thợ làm đồng hồ Pierre Gouthière (1732-1813) và thợ trang trí đồng hồ Jean-Joseph de -Gainain (1719-1791).

Một lần nữa, những người đàn ông này không chỉ làm phụ kiện ormolu cho đồ nội thất, mà còn tạo ra những chân nến, đèn chùm, đồng hồ, gương và thậm chí là lò sưởi.

Cũng trong thời kỳ này, các nhà máy sứ nổi tiếng ở Sevres và Meissen bắt đầu thử nghiệm thêm việc gắn ormolu vào đồ gốm của họ. Thí nghiệm đã rất thành công và các sản phẩm rất đẹp, sau này nó sẽ trở thành “de rigeur” cho các bình Sevres được gắn các chi tiết ormolu tinh tế.

Ormolu theo phong cách tân cổ điển (Neoclassical style)

Thời đại tân cổ điển đến vào cuối Thế kỷ XVIII, ormolu rất có giá trị ở Pháp và phần còn lại của châu Âu đến nỗi nó đã bắt đầu gây cạnh tranh căng thẳng giữa các thợ thủ công đối thủ.

Hệ thống bang hội là một tổ chức thời trung cổ, được thiết kế để phân chia lao động thủ công giữa các công nhân khác nhau. Ở Pháp, việc sản xuất ormolu được phân chia giữa hai bang hội, fondeurs-ciseleurs (người sáng lập và thợ đúc, chạm khắc đồng), và ciseleurs-doreurs (thợ đúc, chạm khắc đồng và người mạ vàng).

Chính vì hệ thống bang hội này mà các thợ đúc đồng nổi tiếng của Thế kỷ XVIII không được phép mạ vàng các đồ vật của riêng họ, và ngược lại, những người mạ vàng không được phép làm đồ đồng.

Nhu cầu cực kỳ cao đối với ormolu vào cuối Thế kỷ XVIII dẫn đến hai bang hội này bắt đầu cạnh tranh. Căng thẳng giữa họ cuối cùng đã được giảm bớt khi Vua Pháp Louis XVI kết hợp họ vào năm 1776.

Điều này chính là nguyên nhân ormolu được làm theo phong cách Louis XVI mới – phiên bản Tân cổ điển của Pháp – mang một tính cách hoàn toàn khác. Các thợ thủ công, từ năm 1776, chịu trách nhiệm cho tất cả các công đoạn sản xuất ormolu, cho phép họ sáng tạo và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với sản phẩm hoàn chỉnh.

Một số ormolu được đúc, chạm khắc tinh xảo nhất được sản xuất trong thời kỳ tân cổ điển. Trong khi mục đích của Rococo ormolu, là để nhấn mạnh hình dạng của một món đồ nội thất, thì thời đại tân cổ điển ormolu được thiết kế như một đặc điểm nổi bật của một món đồ.

Khung (gọng, giá) họa tiết ormolu tân cổ điển là những chi tiết cực kỳ phức tạp, được đúc tinh xảo, thường có hình dạng của các hình và họa tiết cổ điển, bao gồm ruy băng buộc, vòng hoa và màn cửa.

Chi tiết ormolu gắn trên đồng hồ mantel cổ của Pháp, cho thấy các họa tiết tân cổ điển điển hình của một “quivr” có cánh của mũi tên, vòng nguyệt quế và ruy băng buộc

Chi tiết ormolu gắn trên đồng hồ mantel cổ của Pháp, cho thấy các họa tiết tân cổ điển điển hình của một “quivr” có cánh của mũi tên, vòng nguyệt quế và ruy băng buộc

Hơn nữa, chính trong thời kỳ này, những sản phẩm ormolu nổi tiếng nhất của nước Anh đã được tạo ra. Nhà sản xuất người Anh Matthew Boulton (1728-1809) đã thử nghiệm chế tạo bình ormolu vào những năm 1760 và vào đầu thế kỷ 19, Benjamin Lewis Vulliamy (1780-1854) đã đạt được sự hoan nghênh rộng rãi cho những chiếc đồng hồ chế tác theo phong cách Tân cổ điển đẹp đẽ của mình để rồi sau đó được bổ nhiệm làm thợ sửa đồng hồ cho Hoàng gia.

Ormolu và đế quốc Pháp

Việc sử dụng ormolu theo phong cách Tân cổ điển đạt đến đỉnh cao vào đầu Thế kỷ 19. Ở Pháp đây là thời kỳ của Đế chế Napoléon, một thời đại ngắn ngủi của chiến thắng, sang trọng và lộng lẫy trong nghệ thuật trang trí.

Xem thêm: Tượng trang trí phòng khách giúp nâng tầm không gian sống

Khung họa tiết ormolu trên đồ nội thất vẫn được sử dụng rất nhiều, nhưng có lẽ sự đổi mới trang trí lớn nhất trong thời Đế chế Napoleon là sự tăng trưởng đột ngột trong sản xuất đồng hồ mantel tinh xảo và phức tạp.

Những chiếc đồng hồ này được thiết kế theo phong cách Tân cổ điển, và hầu hết trong số chúng được trang trí với các hình tượng được điêu khắc lấy cảm hứng từ các nhân vật cổ điển và thần thoại.

Chúng được gọi là đồng hồ tượng hình, và trong khi một số người lấy thần thoại và tích, truyện cổ điển làm nguồn cảm hứng thì nhiều loại đồng hồ khác là bản sao trực tiếp của các tác phẩm điêu khắc cổ điển. Tạo ra những hình tượng này, thường là thu nhỏ, không có nghĩa là không kỳ công và chúng thực sự là minh chứng cho sự khéo léo của những người thợ làm đồng hồ thời kỳ này.

Bản phác thảo của hai đồng hồ mantel thời kỳ Empire. Bản phác thảo đầu thế kỷ 19 của hai chiếc đồng hồ mantel thời Đế chế, cả hai đều sử dụng họa tiết ormolu, trang trí phù điêu và hình vẽ theo phong cách cổ điển.

Bản phác thảo của hai đồng hồ mantel thời kỳ Empire. Bản phác thảo đầu thế kỷ 19 của hai chiếc đồng hồ mantel thời Đế chế, cả hai đều sử dụng họa tiết ormolu, trang trí phù điêu và hình vẽ theo phong cách cổ điển.

Các chi tiết Ormolu với nhiều hình dạng phong phú có thể được tìm thấy trên những chiếc đồng hồ này. Có, rất nhiều đồng hồ mantel phong cách Empire tinh tế chỉ được làm từ ormolu.

Có lẽ người trang trí đồng hồ nổi tiếng và lành nghề nhất thời kỳ Đế chế là Pierre Phillippe Thomire (1751-1843), người đã nhận được hoa hồng và tiền thưởng từ giới thượng lưu Pháp, cũng như từ chính Hoàng đế Napoleon.

Các nhà sản xuất ormolu nổi tiếng khác trong thời kỳ này bao gồm Claude Galle (1759-1815) và André-Antoine Ravrio (1759-1814), cả hai đều nổi tiếng với các tác phẩm ormolu theo phong cách Empire tuyệt vời, nhiều bộ sưu tập hiện có thể được tìm thấy trên khắp thế giới.

Ormolu trong thế kỷ 19

Bước sang Thế kỷ XIX, ormolu vẫn là vật liệu chủ yếu trong sản xuất đồ nội thất, đèn chùm, đèn trang trí và đồng hồ sang trọng.

Vào cuối Thế kỷ XIX, đã chứng kiến ​​một số phong cách phục hưng xuất hiện, bao gồm các cuộc phục hưng của phong cách Rococo và Tân cổ điển. Các nghệ nhân thời kỳ này vẫn kế tục truyền thống của những người tiền nhiệm Thế kỷ XVIII, đồng thời tạo ra các chi tiết đồng mạ vàng sắc sảo và tinh xảo hơn bao giờ hết .

Đặc biệt đáng chú ý trong thời kỳ này là các nhà sản xuất Alfred Beurdeley (1847-1919), Francois Linke (1855-1946), và Ferdinand Barbedienne (1810-1892), tất cả đều đã được vang danh với các tác phẩm ormolu tuyệt đẹp của họ.

Trong khi Linke được biết đến chủ yếu là thợ làm tủ, Barbedienne được biết đến nhiều hơn là một thợ đúc, chạm khắc và sản xuất đồ trang trí bằng đồng mạ vàng tinh xảo như hình dưới đây:

Đồng hồ mantel ormolu của Barbedienne trong Bảo tàng Nghệ thuật John and Mable Ringling, Florida. Lưu ý: sự kết hợp xa hoa của phong cách Empire với các họa tiết hình dạng cuộn của Rococo. Sự kết hợp tuyệt vời giữa các phong cách này là điều mà Barbedienne được hoan nghênh rộng rãi.

Đồng hồ mantel ormolu của Barbedienne trong Bảo tàng Nghệ thuật John and Mable Ringling, Florida. Lưu ý: sự kết hợp xa hoa của phong cách Empire với các họa tiết hình dạng cuộn của Rococo. Sự kết hợp tuyệt vời giữa các phong cách này là điều mà Barbedienne được hoan nghênh rộng rãi.

Maison Beurdeley, công ty mà Alfred được thừa hưởng từ cha mình, đặc biệt nổi tiếng với việc sử dụng vật liệu sang trọng tiên phong và sản xuất ormolu cho đồ nội thất của họ.

Linke, tuy nhiên, nổi tiếng nhờ sự hợp tác với nhà điêu khắc lừng danh Léon Méssagé (1842-1901) để sản xuất các khung, gọng họa tiết điêu khắc tinh xảo được tìm thấy trên đồ nội thất của ông.

Và bình sứ phong cách Sevres tiếp tục được kết hợp trang trí với các yếu tố ormolu sang trọng.

Gốm sứ Trung Quốc & ormolu Pháp

Rất đáng để chú ý rằng, trong suốt Thời đại của Ormolu trong Thế kỷ XVIII và XIX, các tác phẩm nghệ thuật châu Á, đặc biệt là gốm sứ Trung Quốc trở thành thời trang của những người châu Âu giàu có.

Những đồ gốm sứ này đã được vận chuyển từ Trung Quốc đến châu Âu với chi phí lớn, nhằm thỏa mãn nhu cầu của những quí tộc châu Âu. Để nâng cao vị thế sang trọng của những tác phẩm này, và để biểu thị chất lượng và vẻ đẹp của chúng, nhiều nhà sưu tập của châu Âu đã gắn chúng với ormolu của Pháp. Hương vị châu Âu đã kết hợp với nghề thủ công của Trung Quốc, tạo ra một số tác phẩm thực sự tuyệt đẹp.

Đồ sứ cổ điển màu xanh trắng của Trung Quốc với họa tiết ormolu của Pháp thể hiện sự trao đổi đa văn hóa diễn ra trong Thế kỷ 18 - Bảo tàng nghệ thuật Walters 

Đồ sứ cổ điển màu xanh trắng của Trung Quốc với họa tiết ormolu của Pháp thể hiện sự trao đổi đa văn hóa diễn ra trong Thế kỷ 18 – Bảo tàng nghệ thuật Walters

Ormolu trong hiện tại:

Ormolu tiếp tục được sử dụng trong các phong cách thiết kế phong phú của thời kỳ Art Nouveau, trong các cổ vật Art Deco và hơn thế nữa, mặc dù những phong cách này có xu hướng ưa thích sử dụng ormolu với mức độ ít lộng lẫy hơn.

Vào những thập kỷ giữa của Thế kỷ XX, thời hoàng kim của ormolu đã kết thúc. Các nhà thiết kế của thời kỳ này không thể sánh được với các đối tác Thế kỷ XVIII và XIX của họ về sự sang trọng và phức tạp, hơn nữa, thay vào đó, họ ưa thích xu hướng tối giản, chức năng và tông màu của ormolu vì thế dần tắt tiếng.

Có lẽ sự may mắn cuối cùng của đồng mạ vàng là sự kết hợp của nó vào thiết kế cho công trình Pont Alexandre III ở Paris, một kiệt tác của thiết kế sang trọng theo phong cách Art Nouveau.

Pont Alexandre III ở Paris. Lưu ý các khung họa tiết bằng đồng mạ vàng lấp lánh trên cây cầu.

Pont Alexandre III ở Paris. Lưu ý các khung họa tiết bằng đồng mạ vàng lấp lánh trên cây cầu.

Nhưng ngay cả lúc hiếm khi tìm thấy những tác phẩm đương đại sử dụng ormolu – một phần không nhỏ do chi phí liên quan đến việc sản xuất nó – ormolu vẫn tiếp tục được coi là quý giá bởi những người sành sỏi và giới sưu tầm cổ vật.

Nguồn gốc vững chắc của nó như là một vật liệu trang trí quan trọng hàng đầu của Thế kỷ XVIII và XIX, luôn được coi là những sản phẩm với thiết kế sang trọng và chất lượng siêu hạng. Đồ cổ ormolu mang đến cho chủ nhân của nó vẻ đẹp về sự khéo léo của kỹ năng, sự lộng lẫy của vương giả, huy hoàng và tất nhiên, là sự quyến rũ bất diệt qua mọi Thời đại, của VÀNG.

Tổng hợp & Biên soạn: Trâm Anh Art

(Nguồn: Mayfair Gallery, 2018; Wikimedia Commons)