Tượng đồng mỹ thuật trong thiết kế nội thất
Tượng đồng mỹ thuật loại có kích thước nhỏ (có một thuật ngữ để gọi loại tượng này là “tượng salon”), được làm ra với mục đích chính là trang trí trong nội thất, trong không gian sống. Do vậy, cho dù các bức tượng thuộc phong cách hay thời đại nào thì cách bài trí chúng trong một không gian nội thất cụ thể là điều vô cùng quan trọng.
Có 2 vấn đề cần chú ý đối với tượng salon liên quan đến hình thức và nội dung của tác phẩm. Hình thức của tượng bị chi phối bởi không gian trưng bày do đó chất liệu và ngôn ngữ biểu đạt phải phù hợp. Nội dung tượng cần dễ đi vào tâm lý, tình cảm con người hoặc đại diện cho cái tôi, cái riêng tư của người nghệ sĩ… Mặt khác yêu cầu chính và hướng ưu tiên của tượng salon là “cái đẹp”, nên đề tài nói chung cần nhẹ nhàng, không đi vào triết lý sâu xa hay hoành tráng như tượng công viên, tượng đài.
Khi nói đến trang trí với tượng đồng mỹ thuật (nhất là những loại tượng theo phong cách cổ điển) điều quan trọng là cần tạo nên sự tương phản giữa các chủ thể trong bối cảnh trang trí. Bằng cách pha trộn ánh sáng đèn hiện đại, các loại đèn led (spotlight hoặc downlight), xử lý ánh sáng từ cửa sổ và các vật dụng khác trong bố cục mà bức tượng được đặt, ta có thể tạo ra một không gian trang nhã phù hợp với bộ sưu tập của mình. Kết hợp các phong cách khác nhau, các cách phối màu…, có thể tạo nên sự hiệu ứng tương phản một cách hợp lý.
>> Xem ngay: Trước khi sở hữu tượng trang trí cần tìm hiểu những gì?
Độ tương phản có thể tạo nên những hiệu ứng tích cực về cảm xúc và thị giác. Đối lập tạo nên sự thu hút vì vậy nên xem xét và nhắm đến sự tương phản giữa cứng với mềm mại về đường nét, giữa tươi với nhạt về màu sắc, giữa hiện đại với hoài cổ về nội dung và phong cách… Sử dụng khéo léo nguyên tắc này sẽ mang lại sức sống cho toàn bộ ngôi nhà với những không gian nội thất trực quan và thu hút.
Với mỗi pho tượng ta nên xem xét đặt một hiện vật tương phản gần đó. Chẳng hạn đặt một chiếc ghế baroque bên cạnh một chiếc bàn Đan mạch hiện đại, hoặc có thể làm nổi bật chiếc đèn Art Nouveau bằng một chiếc ghế sofa tân thời.
Ánh sáng là chìa khoá dẫn đến thành công của việc trang trí. Một ngôi nhà chứa đầy đồ cổ và những tác phẩm mỹ thuật cổ điển có thể tạo cảm giác chật chội, lộn xộn, thậm chí bức bối.
Để khắc phục điều này, điều quan trọng là tập trung vào cách thức chiếu sáng. Ánh sáng nên được thiết kế riêng cho từng căn phòng, từng khu vực, để nâng cao hiệu ứng. Một căn phòng được chiếu sáng tốt có thể tạo nên sự năng động của toàn bộ ngôi nhà và mang lại sức sống mới cho mỗi tác phẩm trong cả bộ sưu tập.
Mặc dù có thể trang trí các bức tường của mình bằng loại vật liệu cũng như màu sắc phù hợp theo từng thời gian chẳng hạn như giấy dán tường, thảm hoặc các tác phẩm nghệ thuật khổ lớn, thì đấy có thể vẫn không phải là sự lựa chọn đúng. Vì điều này có thể làm rối mắt và tạo ra cảm giác về một căn phòng bừa bộn.
Nhiều nhà sưu tập có kinh nghiệm thường làm nổi bật các tác phẩm của họ bằng cách trình bày chúng trong căn phòng với những bức tường có màu đơn sắc. Màu “sơn di sản” tông thẫm của các thương hiệu như Benjamin Moore thực sự có thể làm cho các tác phẩm trở nên sống động.
Điều quan trọng nhất cần ghi nhớ là tạo nên sức sống cho không gian nội thất. Trừ khi ta thực sự có kế hoạch coi ngôi nhà như là một bảo tàng hay nhà lưu niệm thì, việc đảm bảo rằng ngôi nhà luôn tạo ra cảm giác thoải mái và ấm cúng là ưu tiên hàng đầu. Khi bước trên hành lang, đi qua từng ô cửa và tận hưởng ánh sáng lung linh của căn phòng, sẽ luôn cảm thấy được đón chào và thư giãn.
Cùng với nhu cầu trưng bày những tác phẩm nghệ thuật, luôn nhớ rằng, ngôi nhà là nơi ta gặp gỡ người thân, nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng…. Nếu ngôi nhà trở nên quá lộn xộn với các hiện vật, nó sẽ không còn giữ được chức năng quan trọng nhất nữa.
Một cách tối ưu để mọi thứ trở nên gọn gàng và phong cách hơn là đặt các bức tượng trên hoặc trong những chiếc tủ kiểu bespoke hoặc trên các kệ, giá hay các loại đôn có kích thước phù hợp.
Thêm nữa, không gian nội thất ngôi nhà nên có những hiện vật gợi nhớ những hồi ức, khiến ta hạnh phúc với nhiều kỷ niệm, điều đó luôn mang lại niềm vui và sự tĩnh tâm. Trình bày, sắp đặt chúng một cách phù hợp sẽ làm tăng giá trị cho không gian sống.
Xem thêm: Tượng trang trí phòng khách giúp nâng tầm không gian sống
Tìm kiếm một chút gì đó để thêm một dấu ấn cá nhân vào các không gian và các bức tường trống trong ngôi nhà của bạn? Câu trả lời, đó là một tác phẩm mỹ thuật (hội họa hoặc điêu khắc) trong nội thất, là cách lý tưởng để thể hiện phong cách cá nhân, gu thẩm mỹ của gia chủ. Độc đáo và nguyên bản, chọn lựa phù hợp, chúng có thể là điểm nhấn cho bất kỳ không gian nào. Thêm nghệ thuật vào không gian sống của bạn là một cơ hội tuyệt vời để thể hiện cá tính và trau dồi gu thẩm mỹ, bằng cách (gần như là) quản lý phòng trưng bày nghệ thuật của riêng mình. Không cần phải là một người quá am hiểu và sành nghệ thuật để có thể trang trí nhà của bạn một cách hợp lý và trang nhã. Điều quan trọng nhất là bản năng nghệ thuật và trái tim của bạn. Với những tác phẩm nghệ thuật được ấp ủ ý tưởng, lựa chọn cẩn thận, đi cùng những món đồ nội thất được tuyển chọn kỹ càng, bạn có thể biến ngôi nhà của mình thành một ngôi nhà đẹp, sống động và tràn đầy cảm hứng.
Ngày nay, thế giới nghệ thuật ngày càng trở nên dễ tiếp cận và “dân chủ hoá”. Theo Thierry Ehrmann (Artprice), số lượng người mua các tác phẩm mỹ thuật đã tăng từ 500 ngàn sau Thế chiến thứ hai, lên tới hơn 70 triệu ngày nay. Trong Thế kỷ XXI, khoảng 700 bảo tàng được xây dựng mỗi năm và có đủ các hội chợ nghệ thuật đương đại cho gần như mỗi ngày trong năm. Từ các hội chợ nghệ thuật uy tín như Art Basel, FIAC, Art Paris hay Frieze, đến các hội chợ nhỏ hơn, gần gũi và thân mật, mỗi người đều có vai trò trong việc “tiết lộ và sưu tầm kho báu”. Hơn cả triển lãm hoặc bảo tàng, hội chợ nghệ thuật và các phiên đấu giá (kể cả trên mạng Internet) cho phép chúng ta đến gần hơn với thế giới nghệ thuật, ở tư cách là nhà sưu tầm.
Cũng chưa bao giờ có nhiều nghệ sĩ như ngày nay với số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra mỗi năm. Đó là một phước lành cho tất cả các nhà sưu tập nghệ thuật và những người đam mê, những người cuối cùng có thể tạo ra vị trí của riêng họ trong một lĩnh vực từng là độc quyền (và cả đặc quyền), một thời. Thị trường nghệ thuật đang phát triển rất nhanh. Đã có nhiều phát hiện và nhiều sự phát triển bất ngờ trong lịch sử nghệ thuật. Thật sự, đó là một khía cạnh mới mẻ của thế giới này, khiến nó trở nên hấp dẫn, cuốn hút và vô cùng thú vị.
Trong một thời gian dài, hệ thống phân cấp của các thể loại, giới hạn phạm vi các chủ đề, được coi là chấp nhận được trong nghệ thuật (điêu khắc) tượng hình. Theo thứ tự từ uy tín nhất đến kém uy tín nhất, thứ bậc của các thể loại là: lịch sử, chân dung, cảnh đời thường, phong cảnh, nghệ thuật động vật và cuối cùng là sự sống. Chủ nghĩa duy tâm thường được ưu tiên hơn chủ nghĩa hiện thực, theo triết lý Platonist rằng, nghệ thuật nên “thể hiện rõ bản chất phổ quát của sự vật”, chứ không phải là một bản sao cơ học. Chỉ đến cuối Thế kỷ XIX, các nghệ sĩ và các nhà phê bình nghệ thuật bắt đầu nổi dậy chống lại chủ nghĩa hàn lâm và mở rộng phạm vi của các chủ đề được miêu tả. Những người theo trường phái ấn tượng đã xuất sắc trong việc phát triển các kỹ năng, đồng thời trình độ thưởng thức của tầng lớp trung lưu cũng ngày càng tiến bộ. Cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 đánh dấu một giai đoạn thay đổi lớn khác của mỹ thuật nhờ vào sự ra đời của nghệ thuật Pop, truyện tranh, quảng cáo và xây dựng thương hiệu.
Ngày nay, các nghệ sĩ đương đại lấy cảm hứng từ tất cả các loại hoạt động hàng ngày và có thể nói, hơn bao giờ hết, nghệ thuật và đời sống đan xen với nhau. Họ nắm bắt văn hóa đương đại thông qua nghệ thuật của họ, lấy cảm hứng từ mọi thứ, âm nhạc và thời trang, tôn giáo và chính trị…Các nghệ sĩ tham gia vào các hoạt động xã hội và chính trị với tầm nhìn của nghệ thuật như một tuyên bố chính trị, chứ không phải là một phong cách thẩm mỹ đơn thuần (trái ngược với phong trào của L’l’pour pour l’art “), thịnh hành trong các tác phẩm nghệ thuật đương đại.
Tổng hợp & Biên soạn: Trâm Anh Art